Một số kết quả trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2020
Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền qua công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết, xét xử vụ án hành chính; đấu tranh, phòng, chống tội phạm được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong năm 2020, Thanh tra các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tiến hành 60 cuộc thanh tra tại 87 đơn vị; phát hiện 41 đơn vị có khuyết điểm, sai phạm; xử lý thu hồi về cho Nhà nước trên 9,5 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hình thức khác trên 1,5 tỉ đồng và 526.080 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý hành chính 09 tập thể và 22 cá nhân; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 01 vụ có dấu hiệu của tội phạm. Bên cạnh đó, thanh tra các sở, ban, ngành thuộc tỉnh đã tiến hành 1.383 lượt kiểm tra độc lập và 191 cuộc thanh tra theo đoàn tại 5.849 lượt tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, các quy chế, quy định, quy chuẩn của Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 117 tổ chức và 1.901 cá nhân có khuyết điểm, sai phạm; xử lý thu hồi 504 triệu đồng, xử lý hình thức khác 577 triệu đồng; ban hành trên 1.900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 55 tổ chức và 1.847 cá nhân với số tiền phạt là 7.026 triệu đồng.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã xem xét, giải quyết 583 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,25%); đã tổ chức thi hành 462/549 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Qua giải quyết khiếu nại đã khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân 6.858 triệu đồng và 1.950 m2 đất các loại; kiến nghị thu hồi về cho ngân sách nhà nước 374 triệu đồng...
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm, liên ngành năm 2020, các tổ chức, cá nhân và các cơ quan liên quan đã quan tâm hơn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Việc lập hồ sơ môi trường của các tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải, thực hiện đúng quy trình thủ tục hành chính; nhiều tổ tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động có hiệu quả; người dân đã tham gia nhiều hơn vào dịch vụ thu gom, xử lý rác thải ở địa phương…
Tỉnh Bình Định đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tạo điều kiện cho công tác này được tổ chức thực hiện thuận lợi, có hiệu quả. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này tại địa phương; Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2018/TT-BTP theo hướng quy định cụ thể thời điểm chốt số liệu báo cáo và thời hạn báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trùng với thời điểm báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và một số ngành khác có liên quan đến việc cung cấp số liệu báo cáo để thuận tiện cho việc lấy số liệu báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ có cơ chế kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Tư pháp – Hộ tịch cấp xã và tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định riêng về chế độ tài chính phục vụ cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý để các đơn vị, địa phương đề xuất kinh phí, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Kim Loan