A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn

(binhdinh.gov.vn) - Nhận thức đúng đắn vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, thảm họa, từ năm 2005 đến năm 2020, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định luôn gắn liền, lồng ghép với các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả biện pháp phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, thảm họa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt từ bị động ứng phó, chuyển sang chủ động phòng ngừa, năng lực phòng chống, ứng phó các tình huống thảm họa, thiên tai trên địa bàn được nâng lên, giảm nhiều yếu tố rủi ro thiên tai đến cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa.

Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã quán triệt đầy đủ hệ thống văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong triển khai thực hiện công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa đến các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, tạo sự chuyển biến về nhận thức, thực hiện đồng bộ thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo ban hành hệ thống các văn bản, hướng dẫn cụ thể hóa việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự ở các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chuẩn bị tốt về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, thảm hoạ gây ra; huy động được tối đa các nguồn tài chính phục vụ công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa trên địa bàn; củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, trong đó lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; chú trọng xây dựng lực lượng tại chỗ, lực lượng xung kích để sẵn sàng xử lý có hiệu quả các sự cố, thiên tai ngay từ cơ sở.

Hoạt động phòng, tránh thảm họa, sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra được chú trọng ngay từ đầu; phương châm “phòng, ngừa là chính” được chú trọng thực hiện, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Theo đó, tỉnh đã tu bổ, cải tạo 54 hang động thiên nhiên, 02 đường hầm, 2.460 nhà mang tính lưỡng dụng và hàng trăm nghìn mét hệ thống cống thoát nước ngầm đô thị… để phục vụ công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, thảm họa. Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa thủy lợi, công trình đập dâng, công trình kênh mương như: Hồ chứa nước Đồng Mít, kênh Thượng Sơn, đập ngăn mặn trên sông Lại Giang. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng 10 khu tái định cư tập trung ổn định cho 2.145 hộ dân, 09 nhà trú, tránh bão lũ, 10 nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ 740 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố tránh mưa lũ, bão cho nhân dân... Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức 200 buổi tuyên truyền kiến thức ứng phó thiên tai cho hơn 4.730 cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên; mở 50 lớp kiến thức phòng chống thiên tai, 38 lớp sơ cấp cứu ban đầu, 18 lớp tập huấn nước sạch, vệ sinh môi trường cho 462 giáo viên, học sinh tiểu học; mở 18 lớp đào tạo nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho 255 cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cấp huyện, xã...

Hoạt động ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn được triển khai theo phương châm “kịp thời, hiệu quả”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân, Nhà nước. Ngay khi kết thúc các đợt thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, đánh giá thiệt hại, xác định ưu tiên, huy động nguồn lực tại địa phương (ngân sách dự phòng, đóng góp của các doanh nghiệp và nhân dân...) tổ chức khôi phục, tái thiết khẩn cấp và trung hạn, sớm ổn định cuộc sống nhân dân không để xảy ra nạn đói do thiếu lương thực và dịch bệnh lây lan sau thiên tai, thảm họa…  

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, tỉnh Bình Định đã đề ra một số giải pháp cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai thảm họa; nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân trên địa bàn, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo và triển khai hoạt động phòng thủ dân sự ở các cấp; rà soát, điều chỉnh bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai sát với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; tổ chức huấn luyện, diễn tập, luyện tập, hội thi, hội thao cho các lực lượng làm nhiệm vụ, nâng cao trình độ, khả năng xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt là cấp xã, thôn và khả năng thực hành của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên trách và kiêm nhiệm (lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ…) trong xử lý các tình huống phức tạp: bão mạnh, siêu bão, lũ, lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn, cháy rừng, tai nạn đường biển, tràn dầu, độc xạ, sinh học... Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật