Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia NS&VSMT năm 2016: Nhiều hoạt động thiết thực
Ghi nhận kết quả
Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng 126 công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) ở khu vực nông thôn với tổng công suất thiết kế 46.920m3/ngày đêm. Ngoài ra, người dân còn đầu tư xây dựng hơn 210.701 công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình.
Trong số 126 CTCNTT đã xây dựng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành 6 CTCNTT quy mô lớn, gồm: CTCN Bình Tường, công suất 2.500 m3/ngày đêm; CTCN Nhơn Tân - 850 m3/ngày đêm; CTCN Phước Sơn - 3.000 m3/ngày đêm; CTCN Phù Cát - 5.600 m3/ngày đêm và CTCN xã Tây Giang, Tây Thuận công suất 1.500 m3/ngày đêm; CTCNTT xã Mỹ Chánh, công suất 2.000m3/ngày đêm. Các công trình nói trên được quản lý, vận hành, xử lý đúng quy trình, nên hoạt động ổn định, chất lượng nước đảm bảo, được người dân tin dùng.
Đại biểu tham dự Lễ hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia NS&VSMTNT năm 2016 tham gia trồng cây xanh tại Trường THCS số 1 Phù Mỹ. Ảnh: PHẠM TIẾN SỸ
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT, cho biết: Đến nay, 6 CTCN do Trung tâm quản lý đang cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 29.306 hộ với trên 120 ngàn người dân. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã đầu tư kinh phí tu sửa, nâng cấp các CTCN đã xây dựng. Nhờ vậy, đến nay tỉ lệ dân cư nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,4%, trong đó có 58,2% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02 (QCVN:02) của Bộ Y tế. Tỉ lệ trường học có nước hợp vệ sinh để sử dụng đạt 83,7% và trạm y tế tuyến xã có nước hợp vệ sinh để sử dụng đạt 100%. Công tác VSMTNT cũng được quan tâm hơn trước. Nhiều chương trình, dự án trên lĩnh vực VSMTNT được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện có 81% hộ gia đình ở khu vực nông thôn có nhà tiêu để sử dụng, trong đó, 69,7% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt quy chuẩn; 80,6% số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.
Cần đẩy mạnh các chương trình
Năm 2016, tỉnh ta đặt mục tiêu tỉ lệ dân cư nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 96%, trong đó có 60% dân cư sử dụng nước sạch; 72% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt quy chuẩn của Bộ Y tế và 82% số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Tại buổi lễ hưởng ứng Tuần lễ quốc gia NS&VSMTNT năm 2016, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội - đoàn thể triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.
Theo Sở NN&PTNT, đạt được mục tiêu trên là không đơn giản bởi hiện nay tại một số vùng dân cư, người dân vẫn chưa đủ nước để sử dụng khi xuất hiện nắng nóng kéo dài. Tỉ lệ người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch từ các CTCNTT chưa nhiều; một số hộ gia đình chưa có nhà tiêu; rác thải sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chưa hợp lý đã làm môi trường sống bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.
Hơn nữa, từ năm 2016, Chương trình mục tiêu Quốc gia NS&VSMTNT không còn là chương trình độc lập, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa CTCNTT từ chương trình này cũng đã hết, trong khi nhiều hạng mục của Chiến lược Quốc gia NS&VSMTNT vẫn chưa đảm bảo. Nhiều CTCNTT ở một số địa phương đã bị hư hỏng, chưa được nâng cấp, nên không phát huy tác dụng. Trong khi đó, tình trạng nắng hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp. Do vậy, nếu không thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thì rất khó đảm bảo được mục tiêu đề ra.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Phù Mỹ hiện có 8 CTCNTT và nhiều CTCN nhỏ, cung cấp nước sinh hoạt cho 98% dân cư ở khu vực nông thôn. Tuy vậy, thời điểm nắng hạn, có nhiều địa phương bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nhằm nâng cao tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, huyện Phù Mỹ sẽ tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực NS&VSMTNT; khảo sát, xây dựng danh mục các dự án cấp nước, các dự án VSMTNT để kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư; tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ CTCN đã xây dựng; xây dựng các khu xử lý rác thải; tổ chức thu gom, xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn...
Theo ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức rà soát, đề xuất kế hoạch phát triển các CTCNTT ở khu vực nông thôn; xác định những vùng thiếu nước vào mùa nắng, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm để làm cơ sở lập dự án ưu tiên đầu tư, trình UBND tỉnh xem xét đầu tư và tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, vốn ODA, vốn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NS&VSMTNT. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa về lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh để mời gọi các nhà đầu tư. Thực hiện bộ chỉ số theo dõi, đánh giá NS&VSMTNT năm 2016, đánh giá kết quả thực hiện trong những năm qua, đồng thời định hướng kế hoạch hành động, đầu tư phát triển đến năm 2020. Chỉ đạo Trung tâm NS&VSMTNT tổ chức quản lý, vận hành tốt các CTCNTT do Trung tâm quản lý.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Vui, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của NS&VSMTNT; hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật quản lý, vận hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các trạm cấp nước nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân trong mùa nắng hạn. Phối hợp với các địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa về lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh để mời gọi các nhà đầu tư nhằm giảm áp lực nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tăng nhanh số dân được tiếp cận với nguồn nước sạch từ các CTCNTT, tạo sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng phục vụ.
PHẠM TIẾN SĨ (baobinhdinh.com.vn)