IIP tháng 8 tăng 8,74% so cùng kỳ
Ảnh minh họa
Theo báo cáo, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tháng 8/2018 giảm 0,43% so với tháng trước và tăng 8,74% so cùng kỳ; chỉ số lũy kế 8 tháng đầu năm 2018 ước tăng 8,25% so với cùng kỳ, trong đó: nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,82%; nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,43%; nhóm ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 5,31%; riêng nhóm ngành khai khoáng giảm 10,95%.
Trong 27 nhóm ngành công nghiệp cấp II, có 16 nhóm có chỉ số sản xuất lũy kế 8 tháng đầu năm 2018 tăng so cùng kỳ, trong đó có 09 nhóm có chỉ số tăng cao hơn so chỉ số tăng của toàn ngành. Một số ngành có chỉ số cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 119,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 34,49%; khai thác quặng kim loại tăng 28,09%; sản xuất sản phẩm hoá chất tăng 24%; sản xuất trang phục tăng 20,17%; in ấn tăng 18,59%; sản xuất đồ uống tăng 11,16%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,82%; sản xuất thuốc, hoá dược tăng 8,4%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Khai khoáng khác giảm 29,52%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 5,8%; sản xuất bàn ghế gỗ giảm 3,37%.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so cùng kỳ năm trước: Tấm lợp bằng kim loại tăng 444,16%; quặng inmenit tăng 40,65%; cấu kiện thép tăng 28,28%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ tăng 26,12%; gạch và gạch khối xây dựng tăng 21,87%; báo in tăng 17,46%; điện sản xuất tăng 15,85%; bia đóng chai tăng 11,15%; điện thương phẩm tăng 9,59%. Một số sản phẩm có sản lượng giảm so cùng kỳ như: Quặng titan giảm 19,53%; đá xây dựng khai thác giảm 36,81%; tôm đông lạnh giảm 11,8%; dung dịch đạm huyết thanh giảm 3,67%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 5,35%; đá ốp lát giảm 1,77%; ghế gỗ giảm 7,02%; bàn gỗ giảm 2,27%.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề đáng quan tâm như giải quyết tồn kho lớn quặng titan, dăm gỗ; nguyên liệu sắn không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất khi người dân liên tục phá bỏ cây sắn để trồng keo; hàng rào kỹ thuật và thị trường thiếu ổn định trong chế biến và xuất khẩu thuỷ sản; giải quyết bài toán việc làm cho lực lượng lao động dôi dư theo lộ trình xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công; một số dự án công nghiệp chế biến có tiềm năng lớn triển khai chưa đạt kế hoạch. Những vấn đề này cần có sự chung tay ra sức tháo gỡ khó khăn từ các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cả người dân để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong tỉnh phát triển bền vững, hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào số ít ngành đang phát triển nóng tại địa phương./.
K.Y