|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 30/12, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tại điểm cầu chính có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Nước; Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh.

Điểm cầu Bình Định

Nước ta thực hiện nhiệm vụ năm 2019 trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Những kết quả nổi bật trong năm qua phải kể đến như: Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt trên 1.400 nghìn tỉ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2%; vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD; xuất nhập khẩu tăng và đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD… Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018 - mức tăng mạnh nhất thế giới. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Nhiều giải pháp phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại được tích cực triển khai. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN… Bên cạnh đó, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực; đời sống nhân dân được nâng lên; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng; nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng thể chế, phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và tạo được chuyển biến rõ rệt; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, hiệu quả, thực chất hơn.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định như: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Cổ phần, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Khắc phục quá tải bệnh viện còn chậm; chất lượng y tế cơ sở chưa cao. Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình... còn xảy ra ở một số địa phương. Ô nhiễm môi trường nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề trong khi nguồn lực còn hạn chế. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập; thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm. Cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa thực chất. Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp. Số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Tình trạng tin giả, xấu, trên mạng xã hội còn nhiều…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu (baochinhphu.vn) 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2019 là một năm đáng nhớ, đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng…, hệ thống chính trị được tăng cường, đáp ứng nguyện vọng và niềm tin trong nhân dân. Những kết quả đạt được trong năm 2019 không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà còn góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng thuận, phối hợp của cả hệ thống chính trị; cùng với quyết tâm và sáng tạo vượt khó của hàng triệu công chức, viên chức, cán bộ trong từng xã, huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương”; đồng thời, gửi lời cảm ơn đến từng người dân, từng công chức, viên chức ở mọi vị trí đã tận tụy làm việc trong năm qua.

Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá kết quả 2019, nhận định bối cảnh, tình hình và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020. Trong đó, cần đi thẳng vào những thành quả nổi bật, những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay, tập trung vào công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện làm sao để tạo sự chuyển biến rõ nét hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong năm 2020; tập trung tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi những bất cập về cơ chế chính sách pháp luật; khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020; chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”; chỉ ra những động lực mới tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng trong năm 2020 và những năm tiếp theo của cả nước, của từng ngành, từng địa phương; giải pháp để tạo nền tảng cho nền kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới; giải pháp về cơ chế, phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho các địa phương để thúc đẩy tinh thần năng động, quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, chính sách, giải pháp đã được Trung ương ban hành; tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước trong tình hình mới; hạn chế đến mức thấp nhất thiên tai, hạn hán đang và sẽ diễn ra khốc liệt; giải pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ, công chức, các cấp, các ngành và địa phương; tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung nguồn lực để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức trong năm 2020; chăm lo Tết chu đáo cho nhân dân, đảm bảo an ninh, an toàn mọi mặt cho nhà nhà vui Tết đón xuân, đặc biệt đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách, người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, trẻ em mồ côi…

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019; báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết sos 02/NQ-CP năm 2019; Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Dự thảo Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu (baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó; đồng thời lưu ý không được chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nêu rõ năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tinh thần chung của năm 2020 là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019. Về phát triển kinh tế, cần tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… Cần quan tâm hơn nữa và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn nữa đối với việc phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người hài hoà với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế -xã hội và phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”. Về việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh trong năm 2020, các cấp uỷ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương, nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, đáp ứng thật tốt các yêu cầu đề ra.

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ khoá XII, góp phần xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn”, “to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong đợi.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sẽ bế mạc vào sáng ngày mai 31/12/2019.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật