|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp thứ 4 HÐND tỉnh khóa XII: Ðề xuất nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, tăng thu ngân sách

Ngày 12.7, HÐND tỉnh khóa XII đã khai mạc kỳ họp thứ 4 đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và bàn những giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Rất nhiều vấn đề đã được các đại biểu (ÐB) HÐND tỉnh quan tâm, có ý kiến xung quanh các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh và các ngành trong thảo luận tổ diễn ra vào chiều cùng ngày.

Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ, chiều 12.7 - Ảnh: Văn Lưu

6 tháng đầu năm 2017, bên cạnh ảnh hưởng kinh tế trong nước tăng trưởng thấp, lạm phát cao, tỉnh ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của 5 đợt lũ cuối năm 2016, giá thịt heo hơi giảm sâu đã tác động mạnh vào giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp... Tuy vậy, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá trị so sánh 2010 đạt 20.955,1 tỉ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ; trong đó, nông, lâm, thủy sản tăng 2,37% (riêng nông nghiệp tăng 0,49%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,75%; dịch vụ tăng 7,92%. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.

Quan tâm, đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp

Nhiều ĐB nhận xét, nền kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 vẫn tiếp tục tăng trưởng 6,54% là nỗ lực lớn đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh.

“Giải cứu heo” là chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB khi đề cập đến những vấn đề của ngành nông nghiệp. Đàn heo của tỉnh hiện có trên 800 ngàn con. Giá heo tụt giảm còn 25.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm xuống tới 17.000-18.000 đồng/kg. Ông Hoàng Phi Long (ĐB đơn vị Hoài Ân) cho biết hoạt động giải cứu heo vẫn được tiếp tục, vì lượng heo thịt ở huyện này còn tồn rất lớn. “Chủ trương trợ giúp người dân từ Trung ương lẫn tỉnh đều đã có, nhưng sự vào cuộc của các ngành liên quan như ngân hàng còn rất chậm trong khoanh lãi, giãn nợ cho người nuôi heo. Về lâu dài, tỉnh phải kêu gọi, xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến súc sản, để giải quyết bền vững khâu đầu ra”, ông Long đề đạt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu: Hoạt động tổ chức các điểm bán thịt heo hỗ trợ người chăn nuôi đã phát huy hiệu quả tốt và sẽ được duy trì trong thời gian tới - Ảnh: Văn Lưu

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định, hoạt động tổ chức các điểm bán thịt heo hỗ trợ người chăn nuôi đã phát huy hiệu quả tốt và sẽ được duy trì trong thời gian tới. “Về giải pháp lâu dài, tỉnh cũng đang tích cực tìm nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến súc sản. Từng có nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà máy ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát nhưng đã lâu vẫn chưa tiến hành” - ông Trần Châu cho biết thêm.

Góp ý về lĩnh vực nông nghiệp, nhiều ĐB có ý kiến tập trung vào giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa sang các loại cây trồng khác, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; đồng thời cần có đề án, chính sách nghiên cứu bao tiêu nông sản, tránh tình trạng nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay bị ép giá như giá thịt heo hơi, ớt... trong thời gian qua. Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ĐB Đào Văn Hùng (Tuy Phước), ĐB Phạm Hồng Sơn (Quy Nhơn) đề xuất: Lâu nay đã có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhưng vẫn chưa đủ mạnh để ngành nông nghiệp phát triển thật sự bền vững. Vì vậy, cần quan tâm, đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, có chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại; mạnh dạn chuyển đổi những vùng đất sản xuất lúa không phù hợp để trồng cây ăn quả hoặc các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Đề xuất nhiều giải pháp tăng thu ngân sách

Thu ngân sách nhà nước tăng 21,1% so cùng kỳ. Tuy nhiên, trong đó có 7/17 khoản thu thực hiện không đạt 50% dự toán năm. Vì vậy, ĐB Trần Văn Trương và ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Tuy Phước) đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách, nhất là thu nội địa để đảm bảo nhu cầu chi theo kế hoạch.

ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Quy Nhơn) góp ý thêm: “Thời gian qua du lịch phát triển mạnh, lượng khách đến Bình Định rất đông, tuy nhiên lại không thu được thuế trên lĩnh vực này. Các ngành, đơn vị liên quan nên đi học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành phát triển mạnh du lịch xem các địa phương này thu thuế như thế nào để sớm có giải pháp chống thất thu thuế trên lĩnh vực này, tăng nguồn thu cho tỉnh”.

ĐB Lê Hoàng Nghi (An Nhơn) phân tích và đề xuất giải pháp: Thu ngân sách tổng quát 6 tháng đầu năm nhìn chung khả quan. Tuy nhiên, khoản thu lớn là ở khu vực ngoài quốc doanh lại có tỉ lệ thu thấp, mới chỉ đạt 36,1% so với dự toán cả năm (cùng kỳ năm 2016 đạt 37,4%). Đề nghị thời gian tới, tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung vào các doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, có độ rủi ro cao, nâng tỉ lệ số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế năm 2017; phát hiện, xử lí kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ việc phát hành và sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, đôn đốc kịp thời các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Liên quan vấn đề này, ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra lại toàn bộ các báo cáo tài chính doanh nghiệp đã nộp qua cơ quan thuế, sau đó phân tích ra bao nhiêu đơn vị có lãi, hòa vốn hay lỗ. Trên cơ sở hệ thống phân tích rủi ro, sẽ kiểm soát quyết toán thuế đối với tất cả các doanh nghiệp”.

Khai thác tài nguyên khoáng sản: vẫn “nóng”

Về lĩnh vực này, ĐB Lê Đình Giám (Phù Mỹ) cho biết tình trạng cấp giấy phép khai thác cát quá chậm, nhiều lỗ hổng. Các doanh nghiệp khai thác cát trong quá trình chờ tỉnh cấp giấy phép quá lâu đã tiến hành khai thác, không có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng... Nhiều doanh nghiệp được phép khai thác cát phục vụ các công trình địa phương nhưng thực tế có kinh doanh cát ra ngoài địa phương hay không, các cơ quan chức năng cũng chưa kiểm tra, giám sát được.

ĐB Võ Vinh Quang (An Nhơn) phân tích thêm: Trong luật chỉ nói đến mỏ khoáng sản nhưng trong thực tế có những điểm không phải là mỏ, chỉ là những điểm để phục vụ dân sinh. Nhưng  khi đưa vào quy hoạch lại là mỏ, mà đã là mỏ phải có nhà đầu tư, phải đấu thầu. Khi đó, người dân địa phương có nhu cầu thì không thể khai thác được, từ đó phát sinh ra mâu thuẫn. Ví dụ như cát, tôi nghĩ ngoài những mỏ khai thác lớn, tỉnh cần quy hoạch điểm khai thác nhỏ giao cho địa phương quản lý để phục vụ nhu cầu dân sinh.

 “Về giải pháp, Sở đang tập trung kiểm tra, những nơi nào không đảm bảo như trong đề án khai thác thì sẽ yêu cầu khắc phục, chỉ cấp phép khai thác từ 2 năm trở lại, không cho khai thác quy mô lớn. Bên cạnh đó, trước đây tỉnh cũng đã thực hiện việc kêu gọi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đóng góp cho địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình đường giao thông nông thôn. Gần đây, Bộ TN-MT cũng đã thống nhất vấn đề này, các nhà đầu tư ngoài đóng góp xây dựng hạ tầng cho địa phương, còn phải đóng góp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản”, ông Lê Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở TN-MT giải trình.

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật