Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh (khóa XI): Ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế được nhiều đại biểu quan tâm
Các đại biểu dự khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: N. SƯƠNG
Xây dựng nông thôn mới: Không nên dàn trải
Theo ĐB Nguyễn Giờ (Hoài Nhơn) và ĐB Nguyễn Tuấn Thanh (Quy Nhơn) việc đầu tư xây dựng nông thôn mới hiện quá ồ ạt, nhiều xã mới chỉ đạt 8-9/19 tiêu chí. Tiến độ xây dựng nông thôn mới đang gặp khó về nguồn lực đầu tư, nhất là vốn hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương. Năm 2014, cả 4 xã điểm của tỉnh được đầu tư trực tiếp chỉ 4 tỉ đồng là quá ít. Điều đó cho thấy, nếu không được đầu tư vốn thì khó thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
ĐB Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh, nêu quan điểm: “Trước nay chúng ta chưa tính đến việc khó đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên chọn đưa nhiều xã vào làm điểm, trong khi thực lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu để làm. Kỳ họp HĐND này, chúng ta sẽ điều chỉnh lại theo hướng dễ thì làm trước, ưu tiên chọn các xã đáp ứng được nhiều tiêu chí hơn, cố gắng đến năm 2014 có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, và đến cuối năm 2015 có thêm 21 xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới”.
Một nội dung khác trong phát triển nông nghiệp cũng được các ĐB quan tâm là việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, tỉnh ta đã thực hiện được trên 100 cánh đồng mẫu lớn và đã nhân rộng mô hình này khá nhanh so với các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, do diện tích canh tác của người dân quá ít (1.200 - 1.600m2/người) nên giá trị đạt được còn thấp. Một số ĐB băn khoăn, thời gian qua các doanh nghiệp và tỉnh hỗ trợ nhiều cho nông dân thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, vậy khi không còn sự hỗ trợ này nữa thì kết quả sẽ thế nào. “Đây là vấn đề mà tỉnh cần quan tâm, đánh giá thực chất để có bước hoạch định trong thời gian đến”, ĐB Nguyễn Tuấn Thanh nói.
Phát triển chế biến thủy sản, xây dựng giao thông: Cần được chú trọng
ĐB Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, từ nay đến năm 2015 tỉnh ta khó có thể có bước đột phá trong sản xuất công nghiệp vì doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún; vả lại các doanh nghiệp này hiện chưa tiếp cận được vốn vay của ngân hàng vì nợ xấu vẫn còn. Ông Lộc cho biết: “Hiện nay, tỉnh ta có thể phát triển ngành nghề chế biến thủy hải sản bởi năng lực đánh bắt của tỉnh ta lớn, tuy nhiên khả năng chế biến của chúng ta còn hạn chế. Mới đây, các nhà đầu tư Nhật Bản đã qua tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh ta, họ rất chú ý đến lĩnh vực này. Thời gian đến, tỉnh sẽ cử người sang Nhật Bản học cách thức bảo quản, chế biến thủy hải sản để nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng này”. Song song với việc chú trọng phát triển ngành chế biến hải sản, ĐB Nguyễn Quốc Việt (Hoài Nhơn), đề nghị trong năm 2014, tỉnh cần hỗ trợ vốn, tăng cường tiếp thị để giúp các doanh nghiệp gỗ tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Đi đôi với việc phát triển kinh tế thì vấn đề giao thông cũng được các ĐB quan tâm. ĐB Nguyễn Thị Đàng (Phù Mỹ) đề nghị ưu tiên sửa chữa, khắc phục sớm các đoạn hư hỏng nặng trên QL19, QL1A. Về việc này, ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước) cho rằng: “Đầu tư xây dựng là một việc, nhưng cũng cần phải giao cho người có trách nhiệm bảo dưỡng, duy tu các tuyến đường, vì nếu không đạt chất lượng thì các công trình sẽ đi xuống, kéo theo hàng loạt những vấn đề phát sinh khác. Tập trung vào làm tuyến quốc lộ thì dân đi tuyến tỉnh lộ. Làm xong quốc lộ thì tỉnh lộ xuống cấp, trong khi khấu hao chưa xong. Nếu chúng ta cứ loay hoay mãi như thế thì không thể nào phát triển được”.
ĐB Ngô Văn Công (Phù Mỹ) cho hay chất lượng đường phía Tây tỉnh, ĐT 631 xuống cấp nhanh trong khi mới đưa vào sử dụng, nhiều đoạn đường làm không phù hợp dẫn đến khi mưa thì bị ngập nước nên người dân bức xúc. ĐB Hoàng Anh Dũng (Hoài Ân) dẫn chứng thêm: Đường từ xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) đi Hoài Ân mới hoàn thiện năm 2012 thì nay không thể đi được; đoạn đường từ xã Ân Hữu đi đến xã Đăk Mang (Hoài Ân) dài 7 km nhưng vừa làm xong, chưa nghiệm thu đã bị hư, người dân phải cạy lên, trám lại xi măng.
Ô nhiễm môi trường: Kiến nghị nhiều nhưng chưa được giải quyết
Cùng với những ý kiến, phân tích về tình hình phát triển kinh tế, công tác bảo vệ môi trường cũng được các ĐB quan tâm và nêu ở phạm vi địa phương lẫn trên quy mô toàn tỉnh. ĐB Nguyễn Thị Đàng (Phù Mỹ) đặt câu hỏi: “Việc khai thác khoáng sản (titan, cát, đá…) trên địa bàn tỉnh để phát triển kinh tế nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường quá lớn thì có nên khai thác không? Nhiều doanh nghiệp khai thác xong không hoàn thổ, làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân, làm đường giao thông bị hư hỏng, gây mất ANTT”. Nhìn từ góc độ địa phương nhưng đặt ra vấn đề có tầm rộng hơn rất nhiều, ĐB Đinh Yang King (Vĩnh Thạnh) kiến nghị Sở TN-MT cần có các giải pháp thu gom rác ở các xã, các huyện, bởi việc người dân đem rác đổ ra đường, QL1A làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hình ảnh của Bình Định trong mắt du khách qua lại địa bàn.
Dẫn chứng việc Công ty TNHH Thuận Tín ở CCN Nhơn Hòa sản xuất dăm gỗ gây ô nhiễm môi trường, cử tri đã kiến nghị nhiều nhưng chưa được giải quyết, ĐB Phan Trọng Hổ (An Nhơn) bày tỏ sự bức xúc: “Năm nay đi tiếp xúc cử tri, bà con nói nặng, chúng ta đã đi về, không lẽ năm sau bà con nói nữa rồi chúng ta cũng đi về? Bà con đã vào gởi gắm ĐB, mà vấn đề này đã kiến nghị 3 năm nay rồi chưa được giải quyết, không khéo bà con mất niềm tin với ĐB. Tôi đề nghị tỉnh phải có sự chỉ đạo quyết liệt giải quyết vấn đề này”.
ĐB TRƯƠNG THIÊN THÀNH (TÂY SƠN):
Đề nghị tăng mức hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công
Với số lượng gần 1.100 cơ sở sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công như hiện nay mà việc tỉnh đề nghị đến ngày 31.12.2016 phải chấm dứt hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công là quá ngắn. Do đó, tôi kiến nghị HĐND tỉnh cần kéo dài lộ trình đến năm 2018 bởi việc tháo dỡ, chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển sang ngành nghề khác mất nhiều thời gian; riêng huyện Tây Sơn có trên 9.000 lao động cần chuyển sang nghề khác.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần xem xét nâng mức hỗ trợ tháo dỡ vì mức đầu tư xây dựng các lò khá cao, từ 50 triệu đồng trở lên, việc tháo dỡ khó khăn, đòi hỏi nhiều công, phương tiện cơ giới. Cụ thể, tôi đề nghị nâng mức hỗ trợ lên gấp đôi mức mà UBND tỉnh dự kiến: từ 5 triệu đồng/lò có công suất nhỏ hơn 0,4 triệu viên/năm lên 10 triệu đồng/lò; từ 7,5 triệu đồng/ lò có công suất từ 0,4 triệu viên - 0,65 triệu viên/năm lên 15 triệu đồng/lò; từ 10 triệu đồng/lò có công suất trên 0,65 triệu viên/năm lên 20 triệu đồng/lò.
Tôi cũng đề nghị xem xét tăng mức ngân sách tỉnh hỗ trợ ổn định đời sống và đào tạo nghề cho lao động chuyển đổi nghề từ 70% lên 80%.
ĐB PHAN TRỌNG HỔ (AN NHƠN):
Giá nông sản tăng hay giảm là vấn đề ở tầm vĩ mô
Cử tri ý kiến tại sao khi giá heo hơi hạ thì người chăn nuôi không được hỗ trợ mà giá lên thì Nhà nước lại có chính sách bình ổn giá cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết? Dù đây là chính sách an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát nhưng như vậy thì người chăn nuôi thiệt thòi nhiều. Trong tầm giải quyết của Sở, chúng tôi đã kiến nghị Bộ NN-PTNT nhưng vẫn chưa giải quyết được. Bà con ý kiến sao Sở NN-PTNT không tổ chức thu mua sản phẩm chăn nuôi để người chăn nuôi khỏi bị ép giá, nhưng Sở không thể làm được điều này.
Về giá nông sản, người dân ý kiến tại sao khi giá lúa xuống, rồi giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng thì Nhà nước không có chính sách hỗ trợ nông dân? Nhiều lần cử tri nói với tôi điều này và họ rất bức xúc, kỳ họp nào cũng ý kiến, nhưng việc này chưa thể giải quyết được.
Tôi nghĩ chúng ta cần nói rõ với bà con nông dân là vấn đề giá nông sản tăng hay giảm là ở tầm vĩ mô, tầm của tỉnh chưa thể giải quyết được.
Theo baobinhdinh.com.vn