Ngành giáo dục và đào tạo tổng kết năm học 2018 - 2019
Quang cảnh tại điểm cầu Bình Định
Năm học qua, cả nước có hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên. Đây là năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phổ cập giáo dục đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,98% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em 5 tuổi đến trường. Việt Nam lần đầu tiên có 2 đại học được vào danh sách 1.000 đại học hàng đầu thế giới, 7 đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu châu Á. Cơ sở vật chất của ngành được bổ sung với trên 5.000 phòng học, 38 công trình nước sạch, 60.000 nhà vệ sinh được xây dựng... Năm học này, toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về GD&ĐT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã thảo luận về những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của nó. Trong đó nhấn mạnh, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra ở một số địa phương do công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm; hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nhưng chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS. Các đại biểu cũng cho rằng, muốn thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu phát triển GD&ĐT phải có sự quan tâm, đầu tư, chăm lo, chung tay, vào cuộc và đồng thuận của toàn xã hội. Sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể, trong đó ngành GD&ĐT phải nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao.
Tại các hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo báo cáo của Bộ, xác định năm học 2019-2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị năm học 2019-2020 phải có sự chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên; rà soát, sắp xếp hệ thống trường học còn kém như tình trạng thừa thiếu trường lớp, học sinh phải đi học xa nhà; các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay; đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường đại học sư phạm trọng điểm như Sư phạm Hà Nội, TPHCM, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương; rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay; ....
KY