Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn
Người dân xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước phải dùng sõng để đi lại. Ảnh: TRỌNG LỢI.
Lượng mưa khá lớn cộng với lượng nước từ hồ Định Bình xả 517 m3/giây làm cho mực nước sông Kôn dâng cao. Sông Kôn tại Vĩnh Sơn 70,80 m xấp xỉ báo động I; tại Bình Nghi 16 m, trên báo động I 0,05 m; tại Thạnh Hòa 7,58 m trên báo động II 0,58 m. Còn sông Hà Thanh tại Diêu Trì và sông An Lão tại An Hòa đều dưới báo động I. Đáng lo ngại là tại huyện An Lão đã xảy ra mưa to, gây lũ quét làm cho tuyến đường từ xã An Hòa đi xã An Toàn bị sạt lở 6 điểm, đất núi lấp đường và 4 điểm sạt lở nền đường (mái taluy âm), 2.500 mét rãnh dọc đường bị sạt lở, cuốn trôi. Tại Km15 (Cổng trời) đất núi lở lấp kín hoàn toàn mặt đường cao khoảng 2 mét với khối lượng khoảng 2.500m3 đất đá và khoảng 25m3 bê tông bị cuốn trôi.
Tuyến đường giao thông đi xã An Vinh cũng có 4 cống thoát nước, 2 cầu tràn bị xói lở chân mố, 1.500 m rãnh dọc bị cuốn trôi và 3 điểm sạt lở núi đất lấp đường, khối lượng đất đá sạt lở, cuốn trôi khoảng 1.500m3 và 20m3 bê tông bị cuốn trôi. Tuyến đường An Hòa đi Thôn 3, xã An Hưng có 4 điểm sạt lở nền đường, khối lượng đất đá bị cuốn trôi khoảng 1.500m3. Mưa lớn còn làm xói lở, hư hỏng 6 đập dâng tại xã An Toàn, An Vinh, An Dũng, An Hưng, cuốn trôi 175 đập bổi; 7.500 m kênh mương các loại bị bồi lấp, 850 m kè sông bị xói lở, cuốn trôi. Ngoài ra, 8 đập chắn nước đầu nguồn của các công trình nước sạch trên địa bàn huyện cũng bị hư hỏng, 2.500 m ống dẫn nước bị cuốn trôi, 6 bể chứa nước bị hư hỏng nặng. Mưa lũ còn làm sa bồi thủy phá 13 ha đất sản xuất và đất lâm nghiệp.
Từ ngày 3.10, UBND huyện An Lão đã huy động các phương tiện như xe ủi, xe múc… để khắc phục sạt lở, phục hồi đường lên xã An Toàn nhưng vì vẫn còn mưa lớn, núi tiếp tục sạt lở nên đến chiều ngày 4.10 các phương tiện không thể thi công.
Tại huyện Hoài Ân mưa lớn cũng đã làm ngập 60 ha lúa vụ 3, trong đó có 10 ha tại xã Ân Phong bị thiệt hại 100%; 2.000 m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng 850m3; 123 đập tạp, đập bổi bị nước cuốn trôi hoàn toàn.
Tại huyện Tuy Phước, tính đến 15 giờ chiều 4.10, 2 tuyến tỉnh lộ huyết mạch trên địa bàn là tỉnh lộ 636B và 640, nhiều đoạn vẫn còn bị ngập sâu từ 0,7-1m, người dân và phương tiện qua lại vẫn phải đi bằng đò hoặc xe tải. Do đường bị ngập nước, gần 2.000 lao động ở các xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Hòa… đang làm việc tại các khu công nghiệp Phú Tài và TP Quy Nhơn phải tạm nghỉ việc; các chuyến xe buýt từ Tuy Phước về xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) phải tạm dừng hoạt động.
Nhiều vùng dân cư tại các thôn Lương Quang (xã Phước Quang), thôn Kim Đông (xã Phước Hòa), thôn Hưng Nghĩa (xã Phước Nghĩa), thôn Xuân Phương (xã Phước Sơn) cũng bị nước lũ chia cắt, cô lập.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Phước Hòa, mưa lũ đã gây xói lở 150m đê sông Thẩm Quyện thuộc thôn Kim Tây đang trong giai đoạn gia cố, nâng cấp. Tại xã Phước Lộc, nước lũ từ thượng nguồn đổ về mạnh gây xói lở nghiêm trọng đoạn đê sông phía Bắc cầu Đỏ (thôn Phong Tấn), uy hiếp hàng chục nhà dân.
Tại TP Quy Nhơn, mưa lớn những ngày qua cũng gây ngập úng 10 ha rau (chủ yếu rau má) cho một số bà con ở KV3 và KV5 (phường Nhơn Phú). Trong ngày (4.10), bà con phường Nhơn Bình cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa để hạn chế thiệt hại.
* Liên quan đến việc xã An Toàn bị cô lập do lở núi, sản phụ Đinh Thị Thiết (ở thôn 2 xã An Toàn) chuyển dạ từ lúc 11 giờ đêm 2.10 nhưng không sinh được, gia đình đưa đi cấp cứu ở trạm y tế xã nhưng cán bộ y tế đi họp ở huyện bị kẹt lại do mưa lũ. Nhận được tin báo, cán bộ y tế thôn 1 đã theo xe công nông vượt lũ xuống tận nơi hộ sản và tối ngày 3.10, chị Thiết đã sinh được cháu trai.
Theo baobinhdinh.com.vn