NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT TRONG THÁNG 5/2018
Ngày 8/5/2018, lần đầu tiên tàu 63.000 tấn cập cảng Quy Nhơn đón lô hàng 15.000 tấn tôn của Hoa Sen-Nhơn Hội - Bình Định xuất khẩu sang Châu Âu. Lô hàng 15.000 tấn sẽ được cập bến cảng Ant Werp của Bỉ và cảng Rochelle của Pháp.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn, lãnh đạo UBND tỉnh, Tập đoàn Tôn Hoa Sen, Công ty CP Cảng Quy Nhơn... nhấn nút đánh dấu thời khắc quan trọng xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn tôn trên tàu 63.000 nghìn tấn đầu tiên tại cảng Quy Nhơn-Ảnh: dantri.com.vn
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Cao Thắng-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh: Tỉnh ghi nhận nỗ lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và các đóng góp tích cực cho ngân sách, an sinh xã hội của Tôn Hoa Sen khi đặt chân đến tỉnh Bình Định.
Phó Chủ tịch Thường trực Phan Cao Thắng cũng biểu dương nỗ lực đầu tư, mở rộng, nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị của Cảng Quy Nhơn đáp ứng nhu cầu vận tải biển, giải phóng hàng hóa của tỉnh, khu vực Miền Trung-Tây Nguyên. Đặc biệt là Cảng Quy Nhơn vừa hoàn thành cầu chuyên dụng làm hàng container rút ngắn tối đa thời gian, chi phí làm hàng cho các doanh nghiệp.
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, sẽ sớm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ Cảng Quy Nhơn tập trung mở rộng Cảng về phía bắc, xây mới cầu cảng trong thời gian tới để nâng cao năng lực khai thác của Cảng.
Tại Lễ đón bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại tổ chức vào ngày 5/5/2018 tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui được đến dự buổi lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh bài chòi Trung bộ Việt Nam bằng hai câu: "Gió xuân phảng phất cành tre/ Bà con cô bác cùng lắng nghe bài chòi".
Thủ tướng nhấn mạnh rằng với việc bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam được UNESCO công nhận đã đưa nước ta xếp hạng thứ 8/177 quốc gia thành viên của Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Thông qua việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam, cộng đồng thế giới tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc Việt Nam vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa của nhân loại.
Thủ tướng nhắc nhở rằng đi cùng với tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật bài chòi trước quốc tế vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà trở thành tài sản chung của nhân loại.
Thủ tướng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam long trọng cam kết cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản, các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ cũng như các di sản khác mà UNESCO đã công nhận.
Thủ tướng kêu gọi: Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để nền văn hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở, để tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện, tỏa sáng cùng tinh hoa văn hóa nhân loại.
Đến thăm và làm việc Tổ hợp Không gian khoa học (THKGKH) và Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) ngày 6.5.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm ICISE đã đạt được, góp phần dần hình thành một cơ sở nghiên cứu khoa học lớn và một định hướng về thành phố, đô thị khoa học.
Thủ tướng cho hay: “Vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân là hình mẫu, biểu tượng cho những người trí thức hết mình yêu đất nước, yêu khoa học, đưa tiến bộ khoa học về Việt Nam kể cả khi tuổi đã cao. Đây là tấm gương để thế hệ trẻ, ra sức học tập, phấn đấu noi theo đóng góp cho khoa học nước nhà ngày càng phát triển”.
Thủ tướng mong muốn ICISE xây dựng một môi trường khoa học tốt, phát triển bền vững và có tính lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đặc biệt, GS Trần Thanh Vân nói riêng và các nhà khoa học nói chung sẽ góp ý kiến cho Chính phủ để chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng để có giá trị gia tăng tốt hơn, tạo nền tảng vững chắc trong cuộc cách mạng 4.0.
Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương, nguyên tắc để tỉnh Bình Định xây dựng một đô thị khoa học và giáo dục. Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Định phải đặt ra một lộ trình phấn đấu, có những đề xuất cụ thể, cần thiết hơn nữa để Chính phủ có sự hỗ trợ kịp thời.
Ngày 18.5, trong lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định đã tôn vinh 62 trí thức tiêu biểu. Đây là lần thứ hai, một nghi thức long trọng như thế này được tổ chức nhằm biểu dương sự cống hiến của đội ngũ trí thức trên khoa học và công nghệ.
Biểu dương đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ lãnh đạo địa phương đối với cộng đồng tinh hoa này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, trí tuệ và sự sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ, nhất là những chuyên gia đầu ngành trong việc nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện xã hội, góp phần xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh hơn, bền vững hơn.
Phát biểu tại Hội nghị diễn tập đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các cấp ngày 25.5.2018 tại thành phố Quy Nhơn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin mạng, gắn kết giữa bảo đảm an toàn thông tin với phát triển Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các cấp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi các cuộc tấn công mạng đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.
Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Cục An toàn thông tin, Sở TT&TT các tỉnh dự Hội nghị tăng cường phối hợp chặt chẽ, hình thành mạng lưới các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin để trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ. Tham mưu tốt cho lãnh đạo các tỉnh để có gắn kết chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin với bảo đảm an toàn thông tin; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Sáng ngày (9.5), tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã diễn ra hội thảo quốc tế: “Khoa học để phát triển”. Sự kiện do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, UBND tỉnh, Bộ KH&CN, Tập đoàn Solvay, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu phối hợp tổ chức.
200 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia dự Hội thảo, trong đó có 02 GS đọat giải Nobel: GS Gerard ‘t Hooft- Nobel Vật lý năm 1999 và GS Finn Kydland - Nobel Kinh tế năm 2004.
Theo GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Hội thảo này tiếp nối thành công của Hội thảo quốc tế “ Khoa học cơ bản và xã hội” năm 2016. Hội thảo lần này “thiết lập cầu nối giữa các chính khách, khoa học, ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà kinh doanh, nhà hoạch định chính sách ở các cấp độ”, cho những thảo luận sâu rộng về vai trò của khoa học ứng dụng vì sự phát triển bền vững của xã hội. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi 11 hội thảo khoa học và 7 lớp học chuyên đề của Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14-năm 2018.
Nguyễn Thanh Trúc