Phấn đấu đến cuối năm 2015, có ít nhất 6 huyện cơ bản thoát khỏi tình trạng huyện nghèo
Những đổi thay lớn tại các huyện nghèo
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a trong 6 năm (2009-2014) là 20.189 tỷ đồng; trong đó, tổng số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí để hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a là 17.051 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và hỗ trợ của các doanh nghiệp. Bình quân mỗi huyện được hỗ trợ từ 35-40 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân trên đầu người của các huyện nghèo tăng 2,5 lần, từ 2,5 triệu đồng/người/năm (năm 2006) tăng lên 12-13 triệu đồng/người/năm (năm 2014).
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương lồng ghép từ các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo cùng các dự án, chương trình sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, vốn đầu tư của Trung ương, ước tính bình quân từ 100-150 tỷ đồng/huyện. Hưởng ứng chính sách của Chính phủ, có trên 40 tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước nhận giúp đỡ các huyện nghèo lâu dài, đóng góp nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với tổng số tiền 3.138 tỷ đồng, đạt hơn 125% so với số tiền đăng ký cam kết.
Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết, giai đoạn 2009- 2010, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 35% theo tiêu chuẩn cũ, đạt mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 40%. Trong giai đoạn 2011-2014, các huyện nghèo cơ bản đều đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết 30a. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thì đến nay theo đánh giá sơ bộ, đã có 8/64 huyện (chiếm tỷ lệ hơn 12%) có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Sáu năm thực hiện Nghị quyết 30a bộ mặt các huyện nghèo của tỉnh Bình Định có sự chuyển biến rõ nét
Tỉnh Bình Định có 3 huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh nằm trong số 64 huyện nghèo trên cả nước. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghị quyết một cách quyết liệt, vận dụng sáng tạo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còm 40,26%, bình quân mỗi năm giảm từ 4-5%; đến nay cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm.
Thu nhập bình quân/người/năm từ 8-10 triệu đồng/người/năm (Vân Canh: 15,41 triệu đồng; Vĩnh Thạnh: 15,634 triệu đồng và An Lão: 10,613 triệu đồng).
Tuy nhiên, Bình Định cũng gặp một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Cụ thể, khi nhà nước ban hành bộ tiêu chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo qua đó cũng tăng lên, trong khi đó nguồn nhân lực còn hạn chế, nguồn vốn bố trí chậm. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
Tại Hội nghị, đại điện các địa phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương rà soát lại các chính sách giảm nghèo hiện hành và giao một cơ quan đầu mối chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo để tránh chồng chéo trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ có hiệu quả như hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết 30a là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực mà các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã đạt được trong công tác giảm nghèo thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết 30a như giảm nghèo chưa bền vững, hộ tái nghèo còn cao; chính sách chưa đi liền với nguồn lực; nhận thức chưa đúng mức về tầm quan trọng công tác giảm nghèo ở các địa phương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhận thức đúng tầm quan trọng về công tác giảm nghèo; rà soát bổ sung thêm chính sách giảm nghèo, loại bỏ những chính sách không còn phù hợp; tập trung hỗ trợ sản xuất, tiếp tục hỗ trợ dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020.
Hữu Phước