Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ chiến lược
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Theo báo cáo, ước tính mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự nên con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%...
Tại hội nghị các đại biểu đã trình bày một số ý kiến, giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em như: Phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý các vụ xâm hại trẻ em; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân, không báo cáo, không tố cáo vụ việc hành vi xâm hại trẻ em. Trong đó giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt cho trẻ em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững. Thủ tướng yêu cầu, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm hơn về công tác bảo vệ trẻ em. Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý; thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng này. Các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Tin, ảnh: N.T.T