|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất nông nghiệp năm 2014: Chủ động giành thắng lợi toàn diện

Năm 2014, tỉnh ta phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản 3,6%. Đây là nhiệm vụ khó khăn và nhiều thách thức, bởi sản xuất nông nghiệp thường bị rủi ro do tác động xấu của thiên tai hạn hán, lũ lụt.

Nông dân xã Cát Hải (Phù Cát) đã chuyển đất sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng hành.


Nhiều chỉ tiêu mới

Năm 2014, tỉnh ta tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết vấn đề nông thôn, nông dân và triển khai thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2014-2020”. Trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, đi đôi với việc cải tiến tổ chức sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất. Theo kế hoạch, năm 2014 toàn tỉnh sản xuất 163.225 ha, dự kiến tổng sản lượng 708.340 tấn, trong đó diện tích cây lương thực có hạt là 120 ngàn ha (diện tích lúa cả năm 111.500 ha, sản lượng 663.425 tấn; bắp 8.000 ha, sản lượng 48.465 tấn…).

Trên lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, ổn định và phát triển đàn trâu, bò 271 ngàn con; đàn heo 750 ngàn con; đàn gia cầm 7 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là 145 ngàn tấn. Tổng sản lượng thủy sản 185 ngàn tấn, trong đó chú trọng hỗ trợ ngư dân theo tinh thần Quyết định 48 của Chính phủ, giúp ngư dân đóng mới tàu thuyền công suất lớn, bám biển dài ngày gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, phấn đấu trồng mới 8.500 ha rừng tập trung, tăng cường giao khoán, bảo vệ rừng, nâng tỉ lệ độ che phủ lên 49,2%. Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), phấn đấu có 4 xã điểm XDNTM của tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí…

Chủ động giành thắng lợi

Tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 vừa được tổ chức, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện thành công các cánh đồng mẫu lớn. Đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đồng ý xây dựng chiến lược phát triển giống cây trồng tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy hoạch ngành trồng trọt đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chăn nuôi giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung (GMĐVTT). Xây dựng và triển khai đề án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, gắn với công tác phòng chống dịch bệnh…

Cũng theo ông Phan Trọng Hổ, trong năm 2014, sẽ tập trung công tác trồng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, và đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân theo tinh thần Quyết định 48 của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chế biến thủy sản. Với Chương trình XDNTM, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương huy động mọi nguồn lực hỗ trợ 4 xã điểm của tỉnh hoàn thành 19 tiêu chí NTM và hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ 25 xã hoàn thành XDNTM đến năm 2015.  

Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cho rằng, hiện nay tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất, tranh chấp đất lâm nghiệp tại các địa phương diễn ra rất phức tạp; hoạt động giết mổ động vật trong khu dân cư đã và sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu. Để giải quyết rốt ráo tình trạng nói trên, tỉnh cần sớm hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng, đo đạc lại đất lâm nghiệp để giao cho dân quản lý. Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các hợp tác xã xây dựng các điểm GMĐVTT, xử lý nghiêm các đối tượng không tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp (DN) cần ban hành và thực hiện nghiêm túc chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN và nông dân. Các HTXNN phát huy vai trò là cầu nối, gắn kết xã viên với các DN thực hiện các liên minh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, tranh thủ hỗ trợ của Trung ương và huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình XDNTM, gắn với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đảm bảo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cần phải xác định rõ lợi thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, công bố rộng rãi sản phẩm chất lượng cao trên các phương tiện thông tin đại chúng, có giải pháp cụ thể để phát triển. Các địa phương cũng cần chú trọng phát triển các loại lâm sản phụ dưới tán rừng, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng. Các DN phải tăng cường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu ở các địa phương, chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh…

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật