|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết 02 năm triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý

Sáng nay 17/01, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 02 năm triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các đồng chí: Uông Chu Lưu - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Hùng Cường - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh điểm cầu Bình Định tại Hội nghị Sơ kết 02 năm triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý.


Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng, lãnh đạo một số sở, ban ngành liên quan cùng dự họp. Ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 678/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua hơn 02 năm triển khai, Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng về trợ giúp pháp lý đã được triển khai; theo thống kê 43% xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và 87% cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã thu hút được sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và cá nhân, trong đó phải kể đến đội ngũ luật sư và cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Cả nước, có đến 8.980 cộng tác viên, trong đó có 1.055 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý cũng được nâng lên. Tỷ lệ trợ giúp viên tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý ngày càng tăng. Trong 02 năm, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện 231.830 vụ việc, thực hiện trợ giúp pháp lý cho 240.176 người với quan điểm “…tăng cường chất lượng dịch vụ; tiếp tục phát triển hướng tới chuẩn chung về chất lượng dịch vụ theo yêu cầu hội nhập quốc tế”.

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu ghi nhận những thành tích to lớn của Bộ Tư pháp trong công tác trợ giúp pháp lý những năm qua. Đây là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Tư pháp, của các cấp chính quyền địa phương, sự quan tâm, sự cộng tác chặt chẽ của các Bộ, ban ngành, đoàn thể các cơ quan thông tin truyền báo chí mà nòng cốt là mạng lưới các tổ chức trợ giúp pháp lý và đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý.

 

Đồng chí Uông Chu Lưu nhấn mạnh, hoạt động trợ giúp pháp lý đi vào nề nếp không chỉ phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân mà còn hỗ trợ các cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ. Do đó, Bộ Tư pháp cần đổi mới, hoàn thiện thể chế, tổ chức của công tác trợ giúp pháp lý, phù hợp với định hướng phát triển 3 trụ cột chính của Nhà nước và xã hội Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người – quyền cơ bản của công dân. Nghiên cứu cơ chế để thu hút, điều phối nguồn lực trong hoạt động trợ giúp pháp lý từ Trung ương; bảo đảm thứ tự thông tin trợ giúp pháp lý và các tin tức tư vấn pháp luật nhất là tham gia tố tụng, giải trình ngoài tố tụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp pháp lý. Nghiên cứu cơ chế, chính sách và giải pháp mạnh mẽ để khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý nhất là đội ngũ luật sư; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng trợ giúp pháp lý, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và ngân sách cho trợ giúp pháp lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các địa phương.

 

Theo vpubbinhdinh.gov.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật