A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết 03 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 27/4, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 03 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Các đồng chí Lê Vĩnh Tân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Mai Văn Chính - Ủy viên BCH Trung ương Đảng , Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng tham dự hội nghị.

Điểm cầu Bình Định

Nhằm tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng ở các ngành, các cấp, Đảng đã lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp lớn về công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công cuộc đổi mới đất nước. Trong đó, có chủ trương thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý ở Trung ương (đến cấp vụ trưởng) và ở địa phương (đến cấp giám đốc sở) và tương đương. Thực hiện chủ trương trên, Bộ Chính trị đã có Thông báo số 202-TB/TW ngày 26/5/2015: Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Theo đó, có 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp sở, cấp phòng.

Qua 03 năm triển khai thực hiện, nhìn chung, các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm đã khẩn trương triển khai thực hiện Đề án theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ và đạt kết quả. Tính đến ngày 20/3/2020, có 12 cơ quan Trung ương và 17 tỉnh, thành phố đã tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 410 vị trí; trong đó, ở bộ, ban, ngành là 42 vị trí và ở địa phương là 368 vị trí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cũng bộc lộ một số hạn chế như: Việc chuẩn bị và chỉ đạo về nội dung thi tuyển chưa đầy đủ và có những điểm chưa cụ thể, rõ ràng; sự phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án chưa chặt chẽ. Một số cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm thực hiện Đề án lúng túng trong triển khai thực hiện, thời gian tổ chức thi tuyển kéo dài, chưa kết hợp việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý với việc xây dựng vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị. Việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý chưa thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia. Quy định về thành phần Hội đồng thi tuyển chưa phù hợp khi áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể; một số nơi còn lúng túng trong xử lý một số tình huống khi tổ chức thi tuyển.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý góp phần đảm bảo sự công bằng, khách quan trong đánh giá cán bộ. Những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều là những người có đức, có tài, thể hiện được vai trò lãnh đạo trong mọi mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị đã trúng tuyển. Đây là căn cứ thực tiễn quan trọng để khẳng định chủ trương thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý của Đảng là đúng đắn và cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định đội ngũ công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương có vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng luôn là yêu cầu cấp bách, khách quan của thực tiễn quản lý hiện nay. Trong đó, việc đổi mới về phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý ở cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là một trong những giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện tốt chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị và có báo cáo trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Sau hội nghị này, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát tất cả các hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện mới sau khi có kết luận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật