A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung chống hạn, phục vụ đời sống và sản xuất

(binhdinh.gov.vn) Trước tình hình hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, ngành Nông nghiệp cùng chính quyền, địa phương đang tập trung nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Bình Định đang xảy ra hạn hán trên diện rộng


Nhiều địa phương bị hạn hán nặng

Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh đang chịu các đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, phổ biến trên diện rộng. Lượng mưa ít, bốc hơi lớn, dòng chảy trên các sông, suối thấp hơn trung bình nhiều năm, nước các hồ giảm nhanh, mỗi tuần giảm từ 8-10% dung tích thiết kế.

Đáng lo ngại là đã có 76/161 hồ cạn nước, trong đó Phù Mỹ 38/44 hồ thủy lợi, Phù Cát 13/22 hồ, Tây Sơn 9/ 25 hồ, Tuy Phước 2/4 hồ, Vân Canh 5/5 hồ, Hoài Nhơn 4/17 hồ, Hoài Ân 5/21 hồ. Lượng nước 161 hồ còn 274,6 triệu m3 (khoảng 48% thiết kế). 15 hồ do công ty CTTL quản lý còn 237/453 triệu m3 (52% thiết kế), các hồ do huyện quản lý còn 37,7/119 triệu m3 (37% thiết kế).

Nắng hạn gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân. Hiện toàn tỉnh có 8.500 ha cây trồng bị hạn, tập trung ở các huyện Phù Mỹ 2.900  ha, Tây Sơn 900 ha, Hoài Ân, Phù Cát 1.700 ha, Hoài Nhơn 500 ha, Tuy Phước 400 ha ...

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (TS) cũng đang gặp nhiều khó khăn do nắng nóng, thiếu nước ngọt làm cho việc điều chỉnh độ mặn, kiểm soát môi trường nuôi khó khăn, dịch bệnh có khả năng bùng phát. Ước tính thiệt hại nuôi trồng TS đến cuối tháng 6 khoảng 8,5 tỷ đồng.  

Đặc biệt, hiện toàn tỉnh đã có trên 7.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Hoài Nhơn là huyện có số hộ dân thiếu nước cao nhất với 3.860 hộ, Phù Cát 1.500 hộ và Phù Mỹ 940 hộ...Dự kiến đến cuối tháng 6.2015 số hộ thiếu nước sinh hoạt tăng lên khoảng 9.850 hộ ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn. Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ chăn nuôi gia súc, nguy cơ cháy rừng cũng đang ở mức cao. 

Chủ động các phương án chống hạn

Trước tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đã “dồn sức” triển khai nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão (thuộc Sở NN&PTNT) cho biết, hiện Sở NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo chống hạn và 2 đoàn công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy các sông, suối... xác định rõ khu vực thiếu nước, khu vực có nguy cơ thiếu nước; thông tin kịp thời, chính xác tình hình hạn hán để người dân biết, nhằm chia sẻ khó khăn và cùng tham gia chống hạn. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Nước sạch-Vệ sinh môi trường nông thôn phát huy hết công suất các công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) để phục vụ nhân dân trong vùng hưởng lợi và hỗ trợ cho các vùng lân cận; đẩy nhanh tiến độ mở mạng cấp nước tại CTCN Cát Nhơn để cấp nước cho dân.

Công ty TNHH KTCTTL Bình Định cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các HTX nông nghiệp lập kế hoạch, lên lịch, phiên tưới cụ thể theo từng hệ thống kênh mương thủy lợi. Khuyến cáo nông dân chuyển đổi những diện tích lúa không đảm bảo nguồn nước tưới sang trồng cây trồng cạn như bắp lai, đậu phụng, đậu nành, mè, hoa màu các loại. Đồng thời, triển khai các phương pháp, kỹ thuật tưới tiết kiệm nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới…
Ngoài ra, đơn vị cũng đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng cho công tác nạo vét hệ thống kênh mương, nâng cấp các đập bồi, lắp đặt các trạm bơm di động trên các sông suối ao hồ; khoan, đào giếng tìm nguồn nước cho sản xuất.

Hiện tại, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai các biện pháp chống hạn, khảo sát tình hình thiếu nước tại các địa phương, xây dựng và thực hiện phương án chống hạn cho từng vùng. Tại Phù Mỹ, UBND huyện Phù Mỹ đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động mọi phương án cung cấp nước uống, nước sinh hoạt cho người, gia súc và nước tưới phục vụ sản xuất, vận động người dân đào thêm giếng lấy nước ngầm và tăng cường năng lực cấp nước từ các CTCN đã xây dựng.  Các HTXNN, tổ thủy nông huy động xã viên nạo vét kênh mương, đắp các đập bổi tạo nguồn nước tưới, sử dụng các máy bơm để tưới cho cây trồng...

Đối với Hoài Ân, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các địa phương cùng với nông dân tập trung huy động các nguồn lực để chống hạn, huy động trên 2,5 tỉ đồng để nạo vét, áp trúc các kênh mương để hạn chế thất thoát nước; chỉ đạo các HTXNN mua bạt, bao tải để đắp, gia cố các đập tạm, đập bổi; lắp thêm trạm bơm điện, bơm dầu, đào kênh dẫn dòng và chặn  các sông, suối làm nhiều đoạn để giữ nước, …

Vừa rồi, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên chân đất lúa thiếu nước trong vụ HT và vụ Mùa năm 2015. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cây trồng cạn theo mức quy định để hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo; các hộ còn lại được hỗ trợ 50%. Định mức và các loại cây trồng cạn được hỗ trợ gồm: giống bắp lai 20kg/ha; giống đậu phụng 200kg/ha; giống đậu nành 60kg/ha; giống đậu xanh, đậu đen 20kg/ha; giống mè 6kg/ha; giống rau các loại bình quân 2 triệu đồng/ha./.

 

Nguyễn Thị Thanh

 

 

 

 

 


Tin nổi bật Tin nổi bật