Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác dân vận
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và chủ trì hội nghị. Dự và đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định; Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Theo báo cáo, thời gian qua công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã có những chuyển biến tích cực, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, đạt được những kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương. Các tỉnh, thành đã đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân theo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu, qua đó đã tạo chuyển biến của cả hệ thống chính trị theo hướng sâu sát với cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chủ động tham mưu, kịp thời giải quyết khi những bức xúc của nhân dân.
Tình hình kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển; an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số cấp ủy đảng, chính quyền khu vực chưa thực sự chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân dận; công tác triển khai, kiểm tra, đôn đốc viêc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, thành chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” chưa được quan tâm thường xuyên. Công tác nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận của một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã giới thiệu những kết quả, kinh nghiệm đạt được trên tất cả các mặt chính trị, KTXH, quốc phòng- an ninh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (49/121 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện trên 9.000 mô hình “Dân vận khéo”. Riêng ở Bình Định, Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương bố trí chức danh và phụ cấp cho Phó Trưởng Ban Dân vận chuyên trách tại 159/159 đảng ủy xã, phường, thị trấn và thành lập 1.123/1.123 tổ dân vận thôn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh trong khu vực tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 16 ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội các xã biên giới đất liền gắn với tăng cường củng cố an ninh-quốc phòng, đối ngoại. Các cấp ủy Đảng, chính quyền nắm tình hình dân tộc, tình hình tôn giáo và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc, đồng bào có tôn giáo; xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò người uy tín, tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; đổi mới công tác dân vận, chú trọng chất lượng, hiệu quả trong công việc; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; bảo vệ, giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân.
Đặc biệt, Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy và cấp ủy các cấp phải vào cuộc, nắm bắt, nghiên cứu, tham mưu cách giải quyết những điểm nóng, phức tạp của nhân dân. Tập trung đáp ứng yêu cầu nắm chắc tình hình nhân dân trên địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, không tạo điểm nóng; tiếp tục đổi mới công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, nhất là của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; về sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị./.
N.T.T