|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TIẾP XÚC VỚI MẶT TRẬN VÀ CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN SAU KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XIV: Nhiều kiến nghị liên quan đến chủ quyền, môi trường và chính sách xã hội

Sáng 5.8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV đơn vị tỉnh Bình Định với Mặt trận và các tổ chức thành viên sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Tham gia buổi xúc có các ĐBQH: Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN; Huỳnh Cao Nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đặng Hoài Tân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh với Mặt trận và các tổ chức thành viên.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Lý Tiết Hạnh đã báo cáo tóm tắt kết quả kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 20 đến 29.7.2016 và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV vừa qua có nhiều khởi sắc, các hoạt động của Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất tâm huyết nên rất kỳ vọng và tin tưởng. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia nhiều hoạt động, có nhiều ý kiến xác đáng tại kỳ họp.

Đại diện các tổ chức kiến nghị tại Hội nghị tiếp xúc.

Đại diện các tổ chức thành viên cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh, như: Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách cho ngư dân vay vốn ngân hàng thương mại đóng tàu mới để vươn khai bám biển phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền nhưng việc vay vốn gặp nhiều khó khăn, kéo dài; tình trạng ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra để lại hậu quả rất nghiêm trọng nhưng chưa có động thái xử lí môi trường trên biển bị ô nhiễm, trong khi đó dân Bình Định rất lo lắng nguồn cá đánh bắt từ vùng biển bị ô nhiễm đưa về tỉnh bán, gây mất an toàn thực phẩm và nước biển vùng bị ô nhiễm theo dòng hải lưu sẽ lan rộng hơn; phản ứng của Việt Nam về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA liên quan tới vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc còn chưa mạnh mẽ; chính sách đền bù giải tỏa của Nhà nước còn bất hợp lí, cần phải chỉnh sửa để tạo sự hài hòa lợi ích giữa người dân - doanh nghiệp - Nhà nước; các chính sách người có công ra đời không sát với thực tế, không thực hiện được; nhiều công trình, dự án gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng nhưng khô thu hồi được; đề nghị ngừng thu phí tại trạm thu BOT Nam Bình Định (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) vì bất cập, phía Bắc tỉnh đã có trạm thu phí trên tuyến QL1A; cán bộ, đảng viên sai phạm xử lí chưa nghiêm; cấp trên sai thì chỉ rút kinh nghiệm, chỉ xử lí cấp dưới, gây dư luận không tốt; hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, gây lãng phí lớn…

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đã giải trình các kiến nghị.

Thay mặt Đoàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đã giải trình, tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị để phản ánh lên Quốc hội trong kỳ họp tới; đồng thời dành nhiều thời gian giải trình các kiến nghị mà các đại biểu quan tâm, búc xúc.

ĐBQH Lê Kim Toàn giải trình, việc thực hiện Nghị định 67 chậm là do trong quá trình triển khai có nhiều phát sinh, mẫu tàu đóng, lựa chọn mẫu tàu, thiết kế kỹ thuật tàu, đặc biệt là thay đổi truyền thống khai thác của ngư dân về phương tiện, ngư lưới cụ để khai thác làm sao cho hiệu quả. Tại diễn đàn Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị cần đưa nội dung giám sát nội dụng Nghị định 67 vào chương trình giám sát của Quốc hội và Quốc hội đã tiếp thu ý kiến và giao cho các ủy ban của Quốc hội giám sát để kiến nghị, triển khai thực hiện các giải pháp cho hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, ĐBQH Lê Kim Toàn, cho rằng việc Formosa gây ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, đây là sự cố gây ra tác hại rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống, ảnh hưởng đến kinh tế, còn tác động về an ninh - quốc phòng, không những trước mắt mà còn lâu dài. Qua sự cố này các cơ quan chức năng Trung ương đánh giá đây là bài học sâu sắc trong thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường; Quốc hội đề nghị đưa vào nội dung thảo luận kỳ họp này nhưng theo báo cáo của Chính phủ, sự cố mới xảy ra đến giai đoạn này mới khẳng định được nguyên nhân và thủ phạm gây ô nhiễm, chưa đánh giá được mức độ tác hại gây ra nên Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ hai, cuối năm nay sẽ đưa vấn đề này ra báo cáo cụ thể tại Quốc hội để tiếp tục xử lí.

Về bảo vệ chủ quyền ở biển Đông, ĐBQH Lê Kim Toàn cho biết, Đảng và Nhà nước ta có quan điểm, lập trường không hề thay đổi và không tranh cãi; quan điểm chung là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Theo Nguyễn Phúc (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật