Triển khai Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp: Góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững
Việc triển khai Dự án LCASP sẽ giúp phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
bằng cách hỗ trợ xây dựng các công trình KSH.
Mục đích thiết thực
DA LCASP vừa được triển khai trên địa bàn tỉnh ta có tổng vốn đầu tư trên 1,915 triệu USD (tương đương 39,266 tỉ đồng). Trong đó, nguồn vốn vay từ ADB là 1,742 triệu USD (trên 35,7 tỉ đồng) và vốn đối ứng của tỉnh là 173.500 USD (gần 3,56 tỉ đồng). DA được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018, gồm 4 hợp phần chính.
Hợp phần 1 - Quản lý chất thải chăn nuôi - vốn đầu tư 25,121 tỉ đồng với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính cho xây dựng các công trình KSH (hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình KSH nhỏ; 10 triệu đồng/công trình KSH quy mô vừa; 20 triệu đồng/công trình KSH quy mô lớn). Thực hiện các mô hình trình diễn trang trại chăn nuôi các-bon thấp theo hướng VietGap đạt tiêu chuẩn từ khâu quy hoạch chăn nuôi đầu vào (giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu gom chất thải), sử dụng khí gas từ công trình KSH, sử dụng chất cặn thải để làm phân bón hữu cơ, xử lý nước thải hợp vệ sinh môi trường. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm xây dựng các mô hình sử dụng KSH phát điện, các thiết bị sử dụng khí gas, cung cấp khí gas dùng chung cho các hộ gia đình.
Hợp phần 2 - Tín dụng cho các chuỗi giá trị KSH (do Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện) sẽ cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị KSH, bao gồm cho vay từ khâu xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống thu gom chất thải, các hầm KSH, các thiết bị KSH (bếp, máy phát điện, lò sấy, đường ống dẫn khí gas…) và các hạng mục bảo quản, vận chuyển chất cặn bã để sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.
Hợp phần 3 - chuyển giao công nghệ SXNN các-bon thấp (vốn đầu tư 9,84 tỉ đồng), gồm các tiểu hợp phần như thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp các-bon thấp; xây dựng các mô hình nông nghiệp các-bon thấp… Hợp phần này sẽ triển khai xây dựng các mô hình trình diễn về SXNN sạch và giảm phát thải khí nhà kính; đào tạo cán bộ khuyến nông và nông dân về các công nghệ SXNN các-bon thấp thông qua các ứng dụng quản lý chất thải nông nghiệp thích ứng với khí hậu. Hợp phần 4 - Quản lý DA (vốn thực hiện 4,305 tỉ đồng).
Góp phần bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững
Tại Hội nghị khởi động DA vừa được ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức, hầu hết các ý kiến của các ngành chức năng và các địa phương đều cho rằng DA có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Theo đánh giá chung, Bình Định là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp lớn ở khu vực duyên hải miền Trung với hơn 77.150 ha đất trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày; trong đó có 47.000 ha đất trồng lúa; 267 ngàn con trâu bò; gần 700 ngàn con heo và khoảng 6,5 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn theo phương pháp truyền thống đã tạo ra nhiều khí thải, chất thải từ chăn nuôi, phế phụ phẩm từ trồng trọt chưa được xử lý hoặc có xử lý nhưng chưa triệt để, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Giám đốc Ban quản lý DA LCASP, cho biết: “Triển khai thực hiện DA sẽ giúp tỉnh xây dựng một nền SXNN bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường thông qua việc xúc tiến xây dựng, nhân rộng các mô hình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ SXNN hướng tới giảm thiểu phát thải nhà kính và ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Từng bước cải thiện hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại bền vững, tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn”.
Theo kế hoạch, trong năm 2014, DA sẽ đầu tư trên 8,3 tỉ đồng (trong đó vốn vay ADB 7,894 tỉ đồng, vốn đối ứng của tỉnh trên 400 triệu đồng) để hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh xây dựng 700 công trình KSH quy mô nhỏ, 2 công trình KSH quy mô vừa, 1 công trình KSH quy mô lớn, 1 mô hình ống dẫn gas dùng chung cho nhóm hộ nông dân, 1 mô hình trình diễn trang trại chăn nuôi các-bon thấp, 1 mô hình SXNN sạch và giảm khí phát thải nhà kính. Bên cạnh đó, Ban quản lý DA tổ chức 2 khóa đào tạo giáo viên nòng cốt về công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn và quản lý chất thải. Đội ngũ này cũng là cán bộ kỹ thuật cấp huyện và đội thợ xây công trình KSH và cán bộ cơ sở phục vụ triển khai DA. Tổ chức tập huấn cho 700 hộ nông dân tham gia xây dựng công trình KSH về vận hành công trình, quản lý chất thải chăn nuôi an toàn, giám sát công trình KSH…
Bình Định là 1 trong 10 tỉnh trong cả nước được Bộ NN-PTNT chọn tham gia DA LCASP. Tổng kinh phí để thực hiện DA tại 10 tỉnh gồm vốn vay ADB và vốn đối ứng là 84 triệu USD. Bao gồm, vốn tín dụng cho các chuỗi giá trị KSH: 42 triệu USD; hỗ trợ xây dựng các công trình KSH và phát triển thị trường các-bon: 8,12 triệu USD; hỗ trợ quản lý chuỗi giá trị và SXNN các-bon thấp: 5,3 triệu USD; đào tạo và hội thảo: 3,43 triệu USD; nghiên cứu và phát triển: 7,36 triệu USD; công tác khuyến nông và chuyển giao công nghệ các-bon thấp: 4,47 triệu USD… |
Theo baobinhdinh.com.vn