A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND tỉnh họp đánh giá tình hình KT-XH 9 tháng và triển khai nhiệm vụ Quý IV, năm 2021

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Thanh, Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ Quý IV, năm 2021. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, của tỉnh.

Quang cảnh cuộc họp

Sau những kết quả tích cực qua 6 tháng đầu năm, đợt bùng phát dịch Covid-19 tại tỉnh trong 3 tháng của Quý III/2021 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của đại bộ phận người dân trong tỉnh. Rõ nhất là hoạt động thương mại dịch vụ, giao thông vận tải hàng hóa bị đình trệ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chịu tác động nặng, chi phí sản xuất tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong các tháng 7,8,9 đều giảm so với các tháng trước liền kề. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch covid- 19 nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, cùng với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và dân Bình Định, tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực. Tổng thể, các chỉ số phát triển của từng ngành đều có sự tăng trưởng, không có ngành nào bị tăng trưởng âm. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2021 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 21.176,2 tỷ đồng, tăng 2,6% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng tăng 5,82%, Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng (theo giá so sánh 2010) đạt 38.116 tỷ đồng, tăng 6,92% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 55.578 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế đó là giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 968 triệu USD, đạt 84,2% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 26/9/2021 là 9.590 tỷ đồng, đạt 90,8% dự toán, tăng 28,2% so với cùng kỳ.  Giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt khá, tính đến ngày 27/9/2021, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 3.485 tỷ đồng, đạt hơn 54,7% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân được 1.608 tỷ đồng, đạt hơn 73,3%. Tỉnh cũng đã kịp thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ cùng các chương trình hỗ trợ gạo, vận động cộng đồng chung sức chia sẻ, trợ giúp cho nhân dân các vùng bị giãn cách để phòng chống dịch. Nhờ vậy, tình hình an sinh xã hội được đảm bảo; Quốc phòng an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tại hội nghị, đại biểu các sở, ngành tập trung thảo luận các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, kế hoạch mở cửa lại các ngành sản xuất, thương mại dịch vụ, du lịch. Mục tiêu phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu kết luận cuộc họp

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh khi vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong 3 tháng còn lại của năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết tâm thực hiện đạt kết quả 3 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm đó là: Tập trung phục hồi phát triển kinh tế; Phòng chống dịch bệnh Covid-19; Phòng chống thiên tai năm 2021.

Để phục hồi phát triển kinh tế trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh 7 giải pháp quan trọng. Trong đó, phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đảm bảo 100% nguồn vốn được Chính phủ, HĐND và UBND tỉnh giao; kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình trọng điểm vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế. Các đơn vị phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, linh hoạt ứng phó với các tình huống phát sinh, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Cùng với đó là tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, ưu tiên vào 4 nhóm, lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp nặng quy mô lớn, các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; năng lượng tái tạo, nhất là điện gió; các dự án du lịch, nghỉ dưỡng và phát triển đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt đảm bảo an sinh xã hội, nhất là việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Các cấp chính quyền cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của người đứng đầu, đoàn kết sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chú trọng cải cách hành chính, gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng nhanh với tình hình mới.

Về nhiệm vụ phòng chống dịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh các giải pháp linh hoạt, chuyển từ “không có COVID” sang sống chung, thích ứng linh hoạt, an toàn, phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ và chủ thể phòng, chống dịch. Khi phát hiện ổ dịch thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm tầm soát diện rộng nhưng phong tỏa phạm vi hẹp nhất có thể, tránh làm ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid-19, trong đó tập trung tiêm cho người lao động các lĩnh vực, những đối tượng nguy cơ. Riêng TP. Quy Nhơn phấn đấu 90% người dân được tiêm chủng mũi 1.

Đối với công tác phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương chủ động chuẩn bị kỹ phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, Sở NN và PTNT chịu trách nhiệm chuẩn bị tất cả các phương án phòng, chống bão, lũ, sạt lỡ đất. Mục tiêu quan trọng nhất làm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật