Bí thư Tỉnh ủy làm việc với lãnh đạo Sở Công Thương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại buổi làm việc
Theo Sở Công Thương, hoạt động của ngành sau 7 tháng tăng trưởng tích cực đã bị chững lại và nhiều chỉ số giảm sâu do chịu tác động của đại dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 5,82% so với cùng kỳ, do đóng góp rất lớn từ ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện với mức tăng hơn 56,3%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất chủ lực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 3,6%. Đáng chú ý, từ khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào tỉnh, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất do không thể đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”; một số doanh nghiệp thiếu hụt lao động, công suất nhà máy sụt giảm; việc lưu thông nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 chỉ tăng 1,09% và dự báo tháng 9 có thể tăng trưởng âm. Hoạt động nội thương cũng bị ảnh hưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 9 tháng qua chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ; riêng dịch vụ giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành qua 9 tháng đó là kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước thực hiện 968 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ, đạt 84,2% kế hoạch cả năm.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận về một số vấn đề trọng tâm, hạn chế, khó khăn trong phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Đó là các chủ đầu tư chưa chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, chỉ có 8/45 cụm CN hoạt động có đầu tư hệ thống xử lý nước thải dùng chung. Chi phí vận chuyển hàng container xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa liên tục tăng cao và gấp 4-5 lần so với cùng kỳ, gây áp lực tài chính các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là ngành thủy sản, dệt may, da giày, chế biến gỗ… Hoạt động xúc tiến thương mại nội địa bị đình trệ, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và duy trì năng suất sản xuất…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, Sở Công Thương cần chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19; các giải pháp quản lý, phát triển khu CN, cụm CN, khu kinh tế của tỉnh. Sở Công Thương khẩn trương hoàn chỉnh phương án sản xuất lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19; đồng thời ngay từ bây giờ phải phối hợp với các ngành hữu quan, chủ động thu hút đầu tư trên lĩnh vực Công Thương.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh giá, tình hình dịch Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Để thực hiện thành công “mục tiêu kép”, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trong thời gian tới, Sở Công Thương cần tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế, tồn tại trong các cơ chế ban hành. Mỗi cán bộ phải nỗ lực tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả nền kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo chịu khó lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh, thành khác để có đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh.
Sở Công Thương tiếp tục kiên trì, quyết liệt trong phòng, chống dịch, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết và cụ thể về phương án sản xuất, kinh doanh hạn chế tiếp xúc; sẵn sàng phương án xử lý khi xuất hiện ca bệnh F0 tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân ở cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Thùy Trang