Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp
Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết tháng 8/2021, cả nước có 563 khu công nghiệp, 19 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 3 khu công nghệ cao. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có những phương án kịp thời để hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động của doanh nghiệp. Các mô hình sản xuất được áp dụng như "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", test nhanh cho người lao động để sản xuất đáp ứng thời hạn các đơn hàng, chủ động tìm nguồn cung nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí hoạt động… 8 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển tiếp tục phát triển, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động, tăng khoảng 90.000 lao động so với cuối năm 2020. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD, tăng 2,9%, đóng góp khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Tuy vậy, Bộ KH và ĐT cho hay ngoài việc thu hút đầu tư vào KCN bị ảnh hưởng thì các doanh nghiệp trong các KCN phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra.
Đối với tỉnh Bình Định, 8 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp đạt hơn 23.760 tỷ đồng, đạt 65,5% kế hoạch năm và tăng hơn 35% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước hơn 903 tỷ, đạt 74,6% kế hoạch năm. Hiện 144 Doanh nghiệp đang hoạt động ổn định (tỷ lệ hơn 94%) đã tổ chức xét nghiệm tầm soát và tầm soát định kỳ cho hơn 14.603 lao động (tỷ lệ 73,4%), với số lượt hơn 29.536 lượt; 29 doanh nghiệp với hơn 2.580 lao động được tổ chức thực hiện “sản xuất 03 tại chỗ”.
Dịp này, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng các biện pháp như: Hạ lãi suất ngân hàng, khoanh nợ các khoản vay, hỗ trợ vốn vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid-19; miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp; miễn giảm và gia hạn nộp thuế, phí và lệ phí cho các doanh nghiệp; Chỉ đạo giảm giá điện, nước và các chi phí dịch vụ liên quan khác, nhất là dịch vụ cảng biển, logistic, ...; ưu tiên cung cấp nguồn Vaccine phòng chống Covid-19 cho người lao động tại Khu kinh tế, KCN, nhằm duy trì, ổn định sản xuất của các doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước, phân bổ và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho toàn bộ người lao động; có quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương phối hợp với doanh nghiệp trong việc đánh giá, phân luồng, tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc theo hướng hạn chế việc doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; xem xét lại mô hình "3 tại chỗ" do chi phí vận hành quá cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị.
Khẳng định Chính phủ luôn kiên định mục tiêu kép và sẽ dốc toàn lực nhằm kiểm soát dịch bệnh trong cuối năm 2021 khi tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động.
Trước những khó khăn của dịch bệnh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương. Tùy theo tình hình của địa phương, các doanh nghiệp chủ động xây dựng các phương án sản xuất, nhất là có giải pháp kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát được F0, không để dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp. Các địa phương sớm tổ chức hội nghị để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh, duy trì vùng xanh trong doanh nghiệp./.
Thùy Trang