A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh động vật

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong nước về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành viên Trung tâm giống vật nuôi và Chi cục thú y tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định.

Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, 8 tháng năm 2021, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 99 xã của 29 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 373.043 con gia cầm. Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.498 xã của 50 tỉnh, thành phố, tiêu hủy  93.261 con lợn. Với bệnh lở mồm long móng (LMLM) có tại 86 xã, của 18 tỉnh, thành phố, 3.373 con gia súc mắc bệnh, tiêu hủy 340 con. Bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 3.936 xã, của 51 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh gần 188.000 con, tiêu hủy 24.890 con. Bệnh dại trên đàn chó, mèo đã làm 40 người chết tại 22 tỉnh, giảm 17 trường hợp so với năm 2020. Riêng bệnh tai xanh trên đàn lợn trong năm 2021 chưa có phát sinh ổ dịch. Với các loại dịch bệnh thông thường khác trên đàn gia súc, gia cầm được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản, cả nước có hơn 16.000 ha bị thiệt hại, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với tỉnh Bình Định: Đầu năm 2021 đã xuất hiện một số bệnh trên gia súc như lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu, bò, nhưng nhờ triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên đến cuối tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh đã được khống chế và đang được Sở NN và PTNT hoàn tất thủ tục để công bố hết dịch trên động vật theo quy định Luật Thú y. Hiện nay, Sở NN và PTNT tỉnh đang tiếp tục duy trì các biện pháp tiêu độc, khử trùng và giám sát dịch bệnh tại các địa phương, để phát hiện sớm và xử lý ngay từ đầu không để dịch bệnh bùng phát và lây lan.  

Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn, làm rõ một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và đề xuất các giải pháp hạn chế tối đa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Theo nhận định của Bộ NN và PTNT, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra vào giai đoạn tới là rất cao. Nguyên nhân, các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ cao, phạm vi rộng. Trong đó, có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường (nhất là virus dịch tả lợn châu Phi) lây lan nhanh và rộng. Công tác phòng chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid-19, nhất là tác động đến công tác tiêm phòng vắc xin bị hạn chế. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số. Thời tiết cuối năm bất lợi, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan.

Do vậy, thời gian tới các địa phương cần quan tâm, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, với động vật trên cạn, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt tối tiểu trên 80% số gia súc trong diện tiêm; tăng cường khử trùng tiêu độc tại các địa phương đang có dịch và những nơi có nguy cơ cao; giám sát chặt chẽ dịch để sớm phát hiện, cảnh báo và xử lý kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Về thủy sản cần có biện pháp phòng chống dịch bệnh cụ thể, nhất là hiện nay các tỉnh trọng điểm nuôi tôm, cá tra phía Nam dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT nhấn mạnh: 8 tháng năm 2021 sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả tích cực, trong đó, chăn nuôi, thủy sản chiếm đến 49,5% tỷ trọng toàn ngành.  Để có kết quả đó, công tác thú y đóng vai trò quan trọng phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn có nguy cơ phát sinh và diễn biến phức tạp. Do vậy, cần bàn các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm, Cục Thú y bám sát kế hoạch thú y về phòng chống dịch bệnh trên động vật, thủy sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học chủ động trong phòng chống dịch; tổ chức kiểm tra, giám sát tiêm vắc xin, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh… Cục chăn nuôi chịu trách nhiệm về thực hiện an toàn sinh học, tổ chức thật tốt nhiệm vụ này; đồng thời, bám sát mục tiêu chiến lược, rà soát từng năm, bám sát thực tiễn để duy trì tốc độ chăn nuôi từ nay đến cuối năm. Phòng chống dịch bệnh trên thủy sản phải kết nối giữa Cục Thú y và Tổng cục thủy sản để thực hiện hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả về kinh tế và phòng chống dịch bệnh. Về các địa phương làm tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản; vừa phát triển sản xuất, vừa giải quyết lưu thông, vừa giải quyết công tác xuất khẩu…

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật