Chủ tịch UBND tỉnh họp trực tuyến với các địa phương chuẩn bị, ứng phó với bão số 6 và mưa lớn trên địa bàn tỉnh
Điểm cầu trụ sở UBND tỉnh
Theo dự báo, đến 1 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Trên đất liền, thời tiết khu vực Bình Định có mưa vừa, mưa lớn tâp trung ở các huyện Phía Bắc tỉnh. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Chủ động ứng phó với bão, tỉnh đã thông báo 468 tàu/3.486 ngư dân đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão để chủ động phòng tránh. Các cảng cá khu neo đậu hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền, neo đậu đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Ngư dân nuôi trồng thủy sản các địa phương ven biển chủ động neo giữ, di chuyển lồng bè tránh hư hại, thất thoát sản phẩm. Đối với phương án di dân, tỉnh cũng đã rà soát và sẵn sàng di dân khi cần thiết. Đối với phương án di dân ở vùng trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt, các địa phương đã rà soát và sẵn sàng di dân khi cần thiết. Hiện 163 hồ có dung tích từ 50.000m3 trở lên trong tỉnh mới chứa 116/590triệu m3 đạt 19,7% dung tích thiết kế.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, lãnh đạo TX Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, các đơn vị liên quan đã báo cáo nhanh về tình hình hồ chứa trên địa bàn, nuôi trồng thủy sản, kiểm đếm tàu cá và thông tin về bão cho các tàu để chủ động phòng tránh, phương án sơ tán dân đến nơi an toàn đối với các khu vực nguy hiểm, cùng những vấn đề khác liên quan đến chuẩn bị ứng phó với bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho rằng, theo dự báo, khả năng bão số 6 ảnh hưởng trực tiếp tới Bình Định khá thấp. Dù vậy, các cấp các ngành, các địa phương không được chủ quan, phải chủ động, kịp thời các biện pháp phòng chống. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão để cảnh báo, hướng dẫn tàu, thuyền, ngư dân di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng để đảm bảo an toàn và giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, tuyệt đối không để dân ở lại trên các chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương phân công bố trí lực lượng ứng trực 24/24 để ứng phó với mưa bão. Đặc biệt là phải thông tin nhanh chóng, kịp thời diễn biến mưa bão để nhân dân chủ động ứng phó. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở ngành liên quan thời gian tới chủ động xây dựng bản đồ quản lý tàu thuyền trên biển để tỉnh chủ động hơn trong công tác ứng phó với thiên tai trên biển…/.
Thùy Trang