Vụ sản xuất Ðông Xuân 2016 - 2017: Thành công trên nhiều lĩnh vực
Nỗ lực vượt khó
Theo ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, vụ ĐX 2016-2017 được thực hiện trong điều kiện thời tiết bất lợi. Đầu vụ đã xảy ra nhiều đợt mưa lũ lớn làm hàng ngàn ha lúa mới gieo sạ bị cuốn trôi hoặc ngập nước, hư hỏng. Nhiều diện tích đất sản xuất ở các xã khu Đông huyện Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ… bị ngập nước trong thời gian dài không đưa vào sản xuất được. Hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng bị mưa lũ làm hư hỏng nặng, ít nhiều ảnh hưởng đến việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Giữa vụ, toàn tỉnh có 347 ha lúa bị sâu bệnh và chuột phá hại…
Vụ ĐX 2016-2017, nhiều diện tích đất sản xuất lúa đã được nông dân huyện Hoài Nhơn chuyển sang trồng bắp đạt hiệu quả. Ảnh: T.SỸ
Trên lĩnh vực chăn nuôi, đáng lo ngại là dịch cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác có nguy cơ tái phát cao trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC), trong khi đầu ra sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh, đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người chăn nuôi. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) và lĩnh vực lâm nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bị mưa lũ làm hư hỏng, môi trường nước bị ô nhiễm; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.
Trước tình hình trên, tỉnh ta đã điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế; hỗ trợ kịp thời trên 2.371 tấn lúa giống cho nông dân gieo sạ lại 20.596 ha, với tổng số tiền gần 39 tỉ đồng. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng đã nỗ lực khắc phục, đưa vào sản xuất 3.200/3.775 ha đất bị sa bồi, thủy phá; đồng thời hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Lực lượng Thú y đã tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường; đẩy mạnh công tác tiêm phòng phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC. Ngoài lượng vắc-xin do Trung ương hỗ trợ, UBND tỉnh đã chi 1 tỉ đồng hỗ trợ tiền công tiêm phòng cúm gia cầm đợt I.2017 cho người chăn nuôi. Nhờ vậy công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC thuận lợi và hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với chính quyền các địa phương vận động người dân khôi phục cơ sở hạ tầng các vùng nuôi; xây dựng lịch thời vụ cụ thể; tổ chức hướng dẫn nông dân sản xuất. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 22 trường hợp vỡ, chìm tàu cá trong các đợt mưa lũ với tổng số tiền gần 1,72 tỉ đồng, giúp ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt. Ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần Quyết định 48/2010 và Nghị định (NĐ) 67/2014 của Chính phủ; vận động ngư dân thành lập thêm các tổ, đội khai thác thủy sản trên biển. Công tác bảo vệ rừng cũng được tăng cường, hạn chế tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Kết quả đáng khích lệ
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, vụ ĐX 2016-2017, toàn tỉnh sản xuất 47.171 ha lúa, đạt 98,7% kế hoạch, năng suất bình quân ước đạt 68,5 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích các loại cây trồng cạn được mở rộng với 1.992 ha bắp, 7.273 ha đậu phụng, 5.882 ha rau đậu các loại. Hiện cây trồng đang được đầu tư chăm sóc chu đáo, sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn một mùa bội thu.
Lĩnh vực khai thác và NTTS chuyển biến tích cực, sản lượng khai thác 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt 20.100 tấn, tương đương cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương 2.276 tấn, tăng 6,6%. Thực hiện NĐ 67/CP, đến nay đã có 55 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại và thi công đóng 47 tàu cá vỏ thép, 4 tàu vỏ composite và 4 tàu vỏ gỗ, trong đó có 38 tàu cá đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ 1 - 6 chuyến biển.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhận định: Thời tiết vụ ĐX 2016 - 2017 diễn biến bất thường đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân và sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, song nhờ chủ động thực hiện nhiều biện pháp, nên vụ ĐX đã thành công trên nhiều lĩnh vực.
Nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất vụ ĐX và vụ Hè Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tập trung vận động nông dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng vật nuôi. Tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng thủy lợi bị mưa lũ làm hư hỏng, ưu tiên xây dựng công trình mang tính cấp bách để phục vụ sản xuất và đảm bảo an toàn trong mùa mưa năm 2017. Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã phải tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Trước mắt, hoàn thiện cơ chế chính sách và duy trì mở rộng quy mô cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi để đầu tư sản xuất kinh doanh. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần nỗ lực phát triển chăn nuôi, gắn liền với đảm bảo an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh tiến độ thực hiện NĐ 67/CP và xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trên nhiều lĩnh vực, nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Mặt khác, tăng cường giao khoán rừng và đất lâm nghiệp cho người dân quản lý và thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo Phạm Tiến Sỹ (baobinhdinh.com.vn)