A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định thực hiện cải cách TTHC hiệu quả bằng nhiều quy định riêng

Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TTHC, nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật của địa phương và giúp cho công tác cải cách TTHC của tỉnh thực sự có những chuyển biến rõ rệt.

Báo VietNamNet có cuộc phỏng vấn với ông Lê Ngọc An - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Định xung quanh vấn đề này.

Tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho công tác quản lý TTHC

- Xin ông cho biết một số nét chính đối với công tác xây dựng thể chế phục vụ cho công tác quản lý TTHC, cải cách TTHC của tỉnh trong thời gian qua?

Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC ở địa phương. Qua theo dõi, đánh giá tình hình thực tế tại địa phương, chúng tôi thấy rằng, trên cơ sở quy định khung của Trung ương muốn tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả thì địa phương phải cụ thể hóa bằng quy định riêng. Đơn cử như Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định chung là giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn cho người dân, doanh nghiệp (DN) thì phải xin lỗi. Còn cơ quan nào xin lỗi, thực hiện việc xin lỗi như thế nào thì địa phương phải quy định cụ thể hơn.

Ông Lê Ngọc An - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Định. (Ảnh: Linh Anh)

Chính vì lẽ đó, kể từ năm 2019 đến nay, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TTHC, bao gồm: Quyết định số 63/2019/QĐ-UBND ban hành Quy định việc tổ chức thu phí, lệ phí và các khoản thu dịch vụ khác trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Quyết định số 72/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh và mới nhất là Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của của 04 Quyết định tôi vừa nêu.

- Xin ông thông tin thêm về nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND?

4 văn bản quy phạm pháp luật trước đó đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được tổ chức triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả trong khuôn khổ các quy định Trung ương.

Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung một số căn cứ pháp lý của 4 văn bản này. Theo đó, những vấn đề được UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương cần được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, như: việc thuê DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; công tác số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC...

Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành chính 

Bên cạnh đó, một số nội dung quy định của 4 văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được sửa đổi, bổ sung để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường chuyển đổi số theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành chính của tỉnh cho người dân, doanh nghiệp.

- Ông có thể nói rõ hơn về tinh thần “không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành chính của tỉnh cho người dân, doanh nghiệp” trong Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND vừa ban hành?

Đáng chú ý nhất là vấn đề trả hồ sơ TTHC cho người dân, DN. Trước đây, có thể xảy ra tình trạng thời gian giải quyết hồ sơ 20 ngày, nhưng cơ quan chức năng để đến khi gần hết thời hạn giải quyết (ngày thứ 18 – 19) mới trả hồ sơ; sau đó người dân nộp lại, lại “nghiên cứu” thêm 5 - 7 ngày rồi trả tiếp. Ngoài ra, còn có trường hợp gợi ý để người dân, DN tự rút hồ sơ rồi nộp lại nhằm “xóa hạn” giải quyết, tính thời gian lại từ đầu. Giờ Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND không cho phép chuyện đó nữa, quy định 1 hồ sơ chỉ được trả 1 lần duy nhất; thời gian trả kể từ khi tiếp nhận là không quá 10% thời gian giải quyết, ví dụ thời gian giải quyết hồ sơ 20 ngày, thì thời gian được trả chỉ trong 2 ngày đầu tiên. Nếu trả sau 02 ngày thì hồ sơ này được tính là hồ sơ giải quyết quá hạn. Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND cũng quy định Văn phòng UBND tỉnh phải tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ hằng tháng về những trường hợp hồ sơ này.

Cải cách thủ tục hành chính là khâu luôn được Bình Định chú trọng

Nội dung đáng chú ý nữa là việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp đối với các hồ sơ giải quyết trễ hạn. Quy định trước đây đối với hồ sơ trễ hạn thì chờ đến khi có kết giải quyết thì cơ quan giải quyết trễ hạn mới thực hiện xin lỗi. Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND quy định ngay khi quá thời hạn giải quyết 01 ngày thì Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện và UBND cấp xã phải xin lỗi trước. Đến khi có kết quả thì Thủ trưởng cơ quan trực tiếp gây trễ hạn hồ sơ phải xin lồi lần thứ hai. Theo đó, một hồ sơ trễ hạn hơn 01 ngày thì phải thực hiện xin lỗi người dân, DN 02 lần.

Ngoài ra, Quyết định số 72/2020/QĐ-UBND còn quy định ngoài việc gửi thư xin lỗi trực tiếp cho người dân, DN thông qua đường bưu điện thì các cơ quan phải công khai thư xin lỗi trên Trang thông tin điện tử của cơ quan và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hoặc Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã.

- Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND đã xử lý vấn đề thuê DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã như thế nào, thưa ông?

Đây là điểm mới trong công tác cải cách TTHC ở địa phương. Tháng 12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh”. Đến nay, nhân viên của DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đã thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được hơn một tháng. Một số địa phương như: Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Hoài Ân thì nhân viên của DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cũng đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa cấp huyện và đang hoàn tất thủ tục để triển khai. Theo đó, Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND đã thể chế hóa vị trí, trách nhiệm của DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã. DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải chịu mọi trách nhiệm với các cơ quan Nhà nước về chất lượng thực hiện nhiệm vụ của nhân viên do mình cử đến làm việc.

Ngoài ra, Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND quy định Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện và UBND cấp xã phải thực hiện việc xin lỗi tổ chức, công dân đối với trường hợp nhân viên của DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích sai sót trong việc kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ dẫn đến việc đề nghị người dân, DN bổ sung hồ sơ quá một lần hoặc vi phạm các quy định về thực thi công vụ, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp, dẫn đến gây phiền hà cho người dân, DN. Theo Quyết định số 72/2020/QĐ-UBND trước đây, những hành vi này được Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cử công chức, viên chức đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành công tỉnh, Bộ phận Một cửa huyện thực hiện xin lỗi nhưng khi thực hiện cơ chế giao DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện nhệm vụ thì quy định này đã không còn phù hợp nữa.

- Xin cảm ơn ông!


Tác giả: Hồ Giáp
Nguồn:vietnamnet.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật