A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều thay đổi quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính

Kể từ ngày 10.10.2023, Quyết định số 57/2023/QÐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của các quyết định liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh chính thức có hiệu lực. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An một số vấn đề xung quanh quyết định này.

4 văn bản quy phạm pháp luật được UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND gồm: Quyết định số 63/2019/QĐ-UBND ban hành Quy định việc tổ chức thu phí, lệ phí và các khoản thu dịch vụ khác trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Quyết định số 72/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.

● Thưa ông, đâu là lý do chính dẫn đến việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND?

- 4 văn bản quy phạm pháp luật kể trên ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh được tổ chức triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả trong khuôn khổ các quy định liên quan của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung một số căn cứ pháp lý của 4 văn bản nêu trên. Từ đó, những vấn đề được UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương cần được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, như: Việc thuê DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC; công tác số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC...

Bên cạnh đó, một số nội dung quy định của 4 văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được sửa đổi, bổ sung để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường chuyển đổi số theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành chính cho người dân, DN.

● Ông vừa nói rằng Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND có những nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Xin ông thông tin rõ hơn về vấn đề này?

- Đơn cử là vấn đề trả hồ sơ TTHC cho người dân, DN. Trước đây, có thể xảy ra tình trạng thời gian giải quyết hồ sơ 20 ngày, nhưng cơ quan chức năng để đến khi gần hết thời hạn giải quyết (ngày thứ 18 - 19) mới trả hồ sơ; sau đó người dân nộp lại, lại “nghiên cứu” thêm 5 - 7 ngày rồi trả tiếp. Giờ không cho phép chuyện đó, Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND quy định 1 hồ sơ chỉ được trả 1 lần duy nhất; thời gian trả kể từ khi tiếp nhận là không quá 10% thời gian giải quyết, ví dụ thời gian giải quyết hồ sơ 20 ngày, thời gian được trả chỉ trong 2 ngày đầu tiên. Nếu trả sau 2 ngày, hồ sơ này được tính là giải quyết quá hạn. Văn phòng UBND tỉnh được giao nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ hằng tháng về những trường hợp hồ sơ này.

Nội dung đáng chú ý nữa là việc xin lỗi người dân, DN đối với các hồ sơ giải quyết trễ hạn. Quy định trước đây, khi có kết quả giải quyết thì cơ quan giải quyết trễ hạn mới thực hiện xin lỗi. Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND quy định ngay khi quá thời hạn giải quyết 1 ngày, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện và UBND cấp xã phải xin lỗi trước. Đến khi có kết quả giải quyết, thủ trưởng cơ quan trực tiếp gây trễ hạn hồ sơ phải xin lỗi lần thứ hai.

● Thuê DN cung ứng dịch vụ BCCI để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC là điểm mới nổi bật trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND có những nội dung nào đáng chú ý phục vụ cho bước chuyển mới mẻ này, thưa ông?

- Nhân viên của DN cung ứng dịch vụ BCCI đã thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được hơn 1 tháng. Ở một số địa phương (Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Hoài Ân), nhân viên của DN cung ứng dịch vụ BCCI cũng đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa của huyện.

Nhân viên Bưu điện tỉnh đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.  Ảnh: M.L

Về mặt pháp lý, Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND thể chế hóa vị trí, trách nhiệm của DN cung ứng dịch vụ BCCI khi được thuê để thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Khi có vấn đề liên quan đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của nhân viên DN cung ứng dịch vụ BCCI thì DN phải chịu mọi trách nhiệm với các cơ quan chức năng với tư cách pháp nhân, còn quản lý nhân viên là chuyện nội bộ của DN.

Ngoài ra, Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND quy định Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện và UBND cấp xã phải thực hiện việc xin lỗi tổ chức, công dân đối với trường hợp nhân viên của DN cung ứng dịch vụ BCCI sơ suất trong việc nhận hồ sơ dẫn đến việc đề nghị người dân, DN bổ sung hồ sơ quá 1 lần hoặc vi phạm các quy định về thực thi công vụ, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp, dẫn đến gây phiền hà cho người dân, DN.

● Ông có thể thông tin thêm về một số nội dung đáng chú ý khác được sửa đổi, bổ sung mang lại tác động lớn đến nhiệm vụ cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh?

- Đối với Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND, thay đổi đáng chú ý là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện cập nhật, đăng tải dữ liệu TTHC của tỉnh thuộc phạm vi chức năng quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày ký, phát hành quyết định công bố TTHC hoặc danh mục TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh. Trước đây, nhiệm vụ này do Văn phòng UBND tỉnh thực hiện. Thay đổi này nhằm nâng cao trách nhiệm lẫn hiệu quả công tác quản lý TTHC do các cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý.

Về báo cáo công tác cải cách TTHC, tần suất thực hiện trước đây là theo quý I, quý II, quý III và năm; nay bổ sung chế độ báo cáo theo tháng. Thay đổi này thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 644/CĐ-TTg ngày 13.7.2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, DN.

Trong khi đó, quy định việc tổ chức thu phí, lệ phí và các khoản thu dịch vụ khác trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 63/2019/QĐ-UBND chỉ áp dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; nay mở rộng đến bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.

Còn Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND được bổ sung các nội dung như: Tài khoản VNeID có thể sử dụng để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, việc số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC bằng điện tử, lưu trữ hồ sơ điện tử... theo các quy định mới của Trung ương.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần triển khai, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu thật kỹ các nội dung của Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND và các quy định có liên quan để tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.

● Xin cảm ơn ông!


Tác giả: MAI LÂM
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật