A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình KT-XH 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 5/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương, sở, ngành đánh giá tình hình KT-XH 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Điểm cầu UBND tỉnh

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoàng Nghi – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Giá trị Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 9 tháng năm 2023 tăng 6,92% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 2,68 điểm phần trăm (GDP cả nước tăng 4,24%), xếp vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố, thứ 7/14 địa phương vùng miền Trung và thứ 1 trong 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tất cả các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương, trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,25%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,57% (riêng công nghiệp tăng 4,68%); dịch vụ tăng 7,69%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,97% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đầu năm vẫn duy trì sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 2,68% so cùng kỳ; tính chung 9 tháng năm 2023 tăng 1,51% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 8.989,6 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 77.391,9 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phục hồi và tiếp tục tăng cao hơn tháng trước và đạt 150,3 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước đạt 1.154 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch năm và giảm 6,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Thu ngân sách tiếp tục gặp khó do khoản thu tiền sử dụng đất không đạt như kỳ vọng. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 là 8.407,7 tỷ đồng, đạt 61,6% dự toán, giảm 31,1% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 22/9/2023 đạt 5.619,3 tỷ đồng, đạt hơn 73,6% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và đạt hơn 58,3% so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, nhất là ở các lĩnh vực dự báo còn gặp nhiều khó khăn đó là sản xuất công nghiệp, thu ngân sách và chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai khi mùa mưa bão đã đến.

Báo cáo của UBND tỉnh cũng xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh…Mục tiêu phấn đấu đạt cao nhất 19 chỉ tiêu phát triển KT-XH đã được UBND tỉnh giao, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP cả năm đạt từ 7-7,5% như kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, nền kinh tế tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, với giá trị GRDP qua 9 tháng tăng 6,92% là kết quả rất đáng mừng. Năm nay, sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, tỉnh tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Chỉ số các ngành này tăng trưởng góp phần “đỡ” cho công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, với các dự án sản xuất công nghiệp mới đang triển khai, năm tới sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng cao hơn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, thành công lớn nhất là UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương bước đầu chỉ đạo, điều hành bằng chỉ số, số liệu cụ thể. Tuy nhiên, qua thực tế, tại 1 số địa phương, việc cập nhật số liệu đã ổn nhưng từ số liệu phân tích, đánh giá ra quyết định chỉ đạo, điều hành còn chưa tốt, cần phải khắc phục nhanh vấn đề này. Bên cạnh đó, trong các chỉ số phát triển KT-XH, hiện lo lắng nhất là 3 chỉ số về thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công nhất là giải ngân vốn đầu tư 3 chương trình Mục tiêu quốc gia và chỉ tiêu sử dụng nước sạch ở đô thị. Ngoài ra, giá trị tổng sản phẩm địa phương của Quy Nhơn và An Nhơn, có quy mô kinh tế lớn chưa đạt cần phải nỗ lực hơn để thực hiện đạt các chỉ tiêu UBND tỉnh đã giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển KT-XH trong 9 tháng qua cần phải khắc phục, nhất là sự cụ thể, sâu sát của người đứng đầu các ngành, địa phương còn hạn chế cần phải nhanh chóng khắc phục, bởi nắm rõ, nắm chắc mới có giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. Thu hút đầu tư, cải cách hành chính, đạo đức công vụ có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu, giải quyết công việc thực tế cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn cứng nhắc.

Hội nghị trực tuyến đến các điểm cầu địa phương, sở, ngành

Về định hướng phát triển KT-XH từ nay đến cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta phải phấn đấu đạt các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023, trong đó, tổng sản phẩm địa phương GRDP đạt trên 7%. Chúng tôi dự kiến phải đạt 7,2%, vì đầu quý IV/2023 các DN bắt đầu phục hồi cộng với một số dự án mới đưa vào hoạt động nên kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến vẫn đạt được 1,6 tỷ USD. Còn một số chỉ tiêu “mong manh” như thu ngân sách thì phải tập trung vào thu tiền sử dụng đất; giải ngân vốn đầu tư công các địa phương phải làm nghiêm túc, phải tập trung vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đặc biệt chú ý về việc giao chỉ tiêu thu ngân sách”.

Quyết liệt chỉ đạo các địa phương trong công tác thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, từ năm 2024, tỉnh sẽ giao chỉ tiêu cho đơn vị quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trong đó cụm công nghiệp 1 năm phải thu hút được ít nhất 2 dự án, khu công nghiệp mỗi năm thu hút từ 5 - 10 dự án. Nếu địa phương không làm được trong 1 - 2 năm sẽ thu hồi để chuyển giao cho DN.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt cho công tác chuyển đổi số, trong đó, Sở TT&TT triển khai các giải pháp cấp bách tạo chuyển biến trong công tác này từ nay đến cuối năm. Một nhiệm vụ quan trọng khác nữa là phải tạo sự đột phá về khâu cải cách thủ tục hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ công nhân viên chức trong giải quyết công việc, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Những nút thắt lớn như quy định về PCCC, đánh giá tác động môi trường, thủ tục đất đai… phải được giải quyết triệt để. Lãnh đạo tỉnh sẽ xuống tận xã để kiểm tra đạo đức công vụ, xem các địa phương có phải lấy người dân làm trung tâm hay không.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương bám sát các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2023 đã giao, quyết liệt chỉ đạo, điều hành, phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra và chuẩn bị xây dựng chỉ tiêu phát triển năm 2024. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành từ nay tới cuối năm. Trong đó, ngành nông nghiệp cùng các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung công tác phòng chống thiên tai; chuẩn bị các điều kiện về vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản tỉnh đã thu hút sắp triển khai. Tập trung quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản, chống lấn chiếm đất đai. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Trung ương thông qua và tiến hành công bố cho người dân. Đối với ngành Du lịch, phải chuẩn bị các chương trình kích cầu du lịch mùa thấp điểm và chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện liên quan tới Giải Đua thuyền máy công thức 1 - F1 H20 và Giải Aquabike nhà nghề Quốc tế Bình Định - 2024 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2024 tại thành phố Quy Nhơn.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định đôn đốc các ngân hàng triển khai các gói tín dụng cho doanh nghiệp và người dân vay phát triển sản xuất kinh doanh nhanh chóng, thực chất.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương sớm chuẩn bị các phương án đảm bảo an sinh xã hội, chuẩn bị nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ trong các dịp lễ tết sắp đến.


Tác giả: Thuỳ Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật