|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kết quả nổi bật liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính trong năm 2022

(binhdinh.gov.vn) - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An đánh giá một số kết quả nổi bật liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính trong năm 2022

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Lê Ngọc An

Trong năm 2022, công tác cải cách thủ tục hành chính được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, đi vào thực chất, có chiều sâu và mang lại hiệu quả, kết quả rất tích cực, cụ thể như sau:

(i) UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa cắt giảm thời gian giải quyết và kiến nghị một số Bộ, ngành Trung ương cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 35 thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm hơn 1,7 tỷ đồng chi phí thực hiện. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 – 2025”.

(ii) UBND tỉnh đã ban hành quyết định ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Môi trường nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bất cập nhiều khâu, nhiều bước trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm việc đi lại, rút ngắn thời gian, chi phí của tổ chức, công dân và doanh nghiệp.

(iii) Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ với 17 nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

(iv) UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính” và phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính”. Đến nay, để thực hiện Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt 03 Đề án liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Nội dung cốt lõi của các Đề án nêu trên là huy động thật nhiều nguồn lực vào công tác cải cách thủ tục hành chính để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nội dung các Đề án bao gồm một số giải pháp mang tính đột phá, có thể nói là chưa có tiền lệ, mạnh dạn đổi mới phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính theo hướng tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc chủ động nắm bắt nhu cầu, chủ động giải quyết nhu cầu, nhất là các nhu cầu mang tính thiết yếu liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, cơ bản của người dân thay vì chờ người dân đề nghị mới xem xét, giải quyết như trước đây.

(v) UBND tỉnh ban hành “Quy định thực hiện liên thông nhóm thủ tục hành chính trên lĩnh vực Tư pháp - việc làm” và “Quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục hành chính cấp giấy phép karaoke”. Kể từ khi thực hiện Chương trình hành động số 09 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành  05 Quy định thực hiện liên thông các nhóm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cơ chế xử lý công việc của các Quy định liên thông này là: tiếp nhận đồng thời, giải quyết song song nhiều thủ tục hành chính liên quan đến nhau (kết quả giải quyết thủ tục này là thành phần hồ sơ đầu vào của thủ tục khác); nhờ đó cắt giảm rất đáng kể tổng thời gian giải quyết so với phương án thực hiện đơn lẻ từng thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm tối đa số lượt đi, lại của người dân, doanh nghiệp.

(vi) Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai hiệu quả Đề án “Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2022 - 2027” (là 01 trong 03 Đề án được UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện Chương trình hành động số 09).

Qua theo dõi, đánh giá ban đầu về kết quả thực hiện Đề án nêu trên, số lượng hồ sơ trực tuyến kể từ sau khi thực hiện Đề án tăng 64% so với giai đoạn trước đó. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh Bình Định trong năm 2022 đạt khoảng 54%; đạt chỉ tiêu quy định tại “Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính và tại “Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022”(quy định tỷ lệ 50%). Một số địa phương triển khai hiệu quả là thành phố Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân và huyện Vân Canh.

(vii) Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch và tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, kể từ tháng 4/2022, định kỳ hằng tháng và vào cuối năm, Văn phòng UBND tỉnh thực hiện giải pháp công khai danh sách tổ chức, cá nhân giải quyết trễ hạn hồ sơ thủ tục hành chính. Giải pháp này được Văn phòng Chính phủ tiếp thu và tham mưu Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện tại Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 09/7/2022. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ thủ tuc hành chính giải quyết trước và đúng hạn của tỉnh trong năm 2022 đạt 99,75%, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2021.

(viii) Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” (Hệ thống VNPT iGate) đã tích hợp, kết nối với 10 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của Bộ, ngành Trung ương phục vụ cho công tác giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; trong đó đáng chú ý, Bình Định là 01 trong 02 địa phương đầu tiên của cả nước đã hoàn thành việc tích hợp, kết nối với “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành "Kế hoạch triển khai công tác số hoá thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết tục hành chính trên địa bàn tỉnh” nhằm từng bước thực hiện mục tiêu “người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ hồ sơ khi thực hiện thành công trước đó” theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

(ix) Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã thực hiện việc tổng rà soát thủ tục hành chính và tham mưu công bố 912 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm tỷ lệ 77,45% tổng số thủ tục hành chính), 716 dịch vụ công trực tuyến một phần theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Về kết quả trong năm 2022:

- Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến của tỉnh trong năm 2022 đạt 54%, đảm bảo theo chỉ tiêu theo quy định của Chính phủ và Tỉnh ủy.

- Cả tỉnh đã thực hiện gần 140.000 giao dịch thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính khi thực hiện thủ tục hành chính với lượng tiền giao dịch hơn 66 tỷ đồng. Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, Bình Định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

(x) UBND tỉnh đã đổi mới việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh năm 2023. Theo đó, ngoài danh mục 27 nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 28 chỉ tiêu thuộc 7 lĩnh vực của công tác cải hành chính để làm cơ sở cho công tác đánh giá đảm bảo yêu cầu “lượng hóa” thực chất kết quả triển khai thực hiện “thông qua con số” của từng các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm khắc phục tình trạng đánh giá chung chung như các năm trước đây.

Những nội dung nêu trên cho thấy kết quả nổi bật của phần nội dung nhiệm vụ “Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính” theo “Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020-2025”./.


Tác giả: Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An

Tin nổi bật Tin nổi bật