A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 5

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 19/7, tại Hà Hội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 5, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Bộ, ngành cơ quan trực thuộc Chính phủ. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các bộ, ngành và các địa phương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Bình Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá chiến lược trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn mới.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo; công tác CCHC tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ trên cả 06 nội dung gồm: cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC, tinh giản bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều tiến bộ. Kết quả đạt được đã đóng góp một phần quan trọng vào sự ổn định, phục hồi, phát triển KTXH của đất nước.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế như: TTHC vẫn còn rườm rà, gây khó cho người dân, doanh nghiệp, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được xử lý kịp thời… Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu, các thành viên của BCĐ tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC nói chung, trong đó tập trung làm rõ và đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm còn ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện; trình các cấp có thẩm quyền ban hành được cơ chế, chính sách thật trúng và đúng về các nội dung này. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc CCHC của đất nước, của bộ, ngành mình; từ đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh CCHC nói chung, cải cách công vụ, công chức nói riêng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để tạo ra bước đột phá trong CCHC. Trong đó, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến CCHC, nhất là thủ tục hành chính. Theo thống kê, cập nhật, kế hoạch CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3.003 nhiệm vụ. Tính đến ngày 21-6-2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 46,09% so với kế hoạch đề ra…

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Tại Bình Định, với tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo, UBND tỉnh đã quán triệt các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp đẩy mạnh CCHC và đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành và triển khai theo hướng “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, tập trung vào phát triển KT-XH phải gắn với đẩy mạnh CCHC; giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, DN phát triển kinh tế.

Đến nay, 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 100% UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện mô hình Bộ phận một cửa điện tử. Toàn tỉnh hiện có 1.375 thủ tục hành chính (đạt 60,06%) đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và một phần; thực hiện tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với 1.410 dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình và một phần đạt trên 31,99%. Công bố danh mục 541 thủ tục hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định. Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 80.833 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, tăng 35.962 hồ sơ so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn của toàn tỉnh đạt 99,9%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận đánh giá tình hình thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC năm 2023, các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm gồm: Rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật xem vướng ở đâu để điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát lại hoạt động CCHC, chú trọng đơn giản các TTHC người dân đang quan tâm như là các lĩnh vực tín dụng, hoàn thuế giá trị gia tăng, đất đai và 3 lĩnh vực động lực thúc đẩy phát triển kinh tế gồm: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Đồng thời, rà soát, xử lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác CCHC, giải quyết TTHC theo hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Tác giả: Thùy Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật