A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XIII: Sôi nổi thảo luận, thẳng thắn chất vấn

(binhdinh.gov.vn) -  Ngày làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Định làm việc tại Hội trường dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, Huỳnh Thúy Vân. Trong phiên làm việc sáng nay (14/7), các đại biểu thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan tới chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm, các báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, thực hiện giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

 

Chủ toạ Kỳ họp

Mở đầu buổi làm việc sáng nay, tổ thư ký kỳ họp báo cáo tổng hợp những nội dung được đại biểu HĐND nêu ý kiến qua 2 phiên thảo luận tổ. Đây là những vấn đề nóng, được cử tri gửi gắm cho các đại biểu mình lựa chọn để chuyển đến các cơ quan chức năng của tỉnh, các ngành liên quan xem xét giải quyết, khắc phục kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Tài chính giải trình các vấn đề đại biểu HĐND chất vấn

Theo đó, ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Tài chính đã đăng đàn giải trình, làm rõ thêm các nhiệm vụ thu chi ngân sách, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất. Theo Giám đốc Sở Tài chính, qua 6 tháng đầu năm, thu ngân sách gặp khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn và thị trường bất động sản trầm lắng. Tuy nhiên, kết quả thu trong 6 tháng vẫn có những tín hiệu tích cực, khi số thu nội địa, trừ tiền sử dụng đất và các khoản khác vẫn đạt trên 51%, đảm bảo cho chi thường xuyên. Số thu thuế ngoài quốc doanh cũng đạt 56,9% trong bối cảnh một số khoản thu được miễn giảm, giãn theo quy định của Trung ương. Về giải pháp đảm bảo thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm, nhất là với khoản thu tiền sử dụng đất, ông Nguyễn Thành Hải nói: “Thu nội địa phục vụ cho chi thường xuyên, chúng tôi cố gắng phấn đấu đạt trên 7.200 tỷ đồng, tức là vẫn vượt 5% so với dự toán; ngành thuế và tài chính cũng đã rà soát rất kỹ, tìm mọi cách là thu bù đắp các khoản phụ thu, giảm thu, khai thác dư địa và tính đúng tính đủ các khoản cần phải thu để đảm bảo thu vượt dự toán 5%. Đối với thu tiền sử dụng đất, chúng tôi cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm là tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch đấu giá, đưa tất cả các nhiệm vụ lô đất đấu giá thực hiện trong tháng 6,7,8 và chậm nhất là trong tháng 9 để nếu không đạt thì tiếp tục tổ chức tập trung đấu giá, đấu thầu các dự án từ đó có nguồn thu và khoản thu lớn và thu nhanh hơn”.

 Đồng chí Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình các vấn đề đại biểu HĐND chất vấn

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu đề cập qua phiên thảo luận tổ đã nêu có liên quan tới tờ trình kiện toàn đội ngũ thú y ở cơ sở. Đối với chương trình trồng rừng gỗ lớn, theo ông Phúc, đến nay, các doanh nghiệp liên kết với người dân trồng được hơn 6.700 ha. Hiện chương trình đang tiếp tục triển khai và khả năng đạt mục tiêu trồng 10.000 ha rừng gỗ lớn trong năm nay. Liên quan tới việc hỗ trợ cho người dân có trâu bò chết do dịch viêm da nổi cục năm 2021, tiếp tục được cử tri kiến nghị và đại biểu nêu, ông Trần Văn Phúc cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính có cơ chế chính sách nhưng đến giờ này cũng chưa trả  lời, đây cũng là việc tổn thất rất lớn đến bà con. Trên cơ sở đó, giải quyết trước mắt thời gian qua thì tỉnh cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất đối với bà con đã mua bò và đang thực hiện rất tốt. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp, Tài chính có trả lời chính thức về chính sách, nếu không sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh có cơ chế chính sách như thế nào để hỗ trợ bà con, giúp bà con tái sản xuất.

Giám đốc Sở TN &MT Lê Văn Tùng giải trình các vấn đề đại biểu HĐND chất vấn

Giám đốc SởTN&MT Lê Văn Tùng cũng đã làm rõ 2 nội dung liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Theo Giám đốc Sở TN&MT, việc thu hồi diện tích còn lại các hộ dân bị ảnh hưởng còn dưới 200 m2 khi thực hiện dự án cao tốc đã được thực hiện theo quy định của UBND tỉnh. Đối với diện tích còn lại trên 200 m2, do liên quan tới tổng vốn đầu tư của dư án, hiện các địa phương đang tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để có cơ sở thỏa thuận với Bộ GTVT để có giải pháp cụ thể.

Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công nghiệp, sử dụng hung khí, kể cả vũ khí nóng đánh nhau và tình trạng sử dụng chất gây nghiện gia tăng trong thời gian qua được đại biểu HĐND tỉnh lo lắng và đề nghị có giải pháp khắc phục. Giải trình vấn đề này, Đại tá Võ Đức Nguyện, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, số vụ phạm tội cố ý gây thương tích qua 6 tháng đầu năm giảm 11 vụ, nhưng số vụ thanh thiếu niên tụ tập gây rối, đánh nhau xảy ra 11 vụ, tăng 9 vụ. Mới đây nhất là vụ 50 người lao vào hỗn chiến kinh hoàng ở Quy Nhơn vào cuối tháng 5 vừa qua, gây lo lắng, bất an trong nhân dân. Qua phân tích, đa phần thanh thiếu niên tham gia các vụ việc có hoàn cảnh gia đình phức tạp, bỏ học, trong khi lứa tuổi này rất háo thắng, manh động. Bên cạnh đó, internet phát triển, video, game cổ súy đánh nhau lan tràn, thanh thiếu niên dễ dàng kết nối, rủ nhau tụ tập đánh nhau. Đại tá Võ Đức Nguyện cũng nhìn nhận, dù lực lượng công an chính quy được tăng cường về cơ sở, tuy nhiên mấy năm nay chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ cấp mã số định danh, căn cước công dân, triển khai đề án 06… nên việc nắm địa bàn, quản lý an ninh trật trự có phần chưa sát. Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tăng cường phối hợp cùng các ngành chức năng, hội đoàn thể tăng cường quản lý an ninh trật tự.

Đại tá Võ Đức Nguyện, Giám đốc Công an tỉnh giải trình các vấn đề đại biểu HĐND chất vấn

Về tội phạm ma túy, 6 tháng, lực lượng công an tỉnh đã khởi tố 90 vụ với hơn 270 bị can, tăng 35 vụ so với cùng kỳ. Đây là thực trạng đáng báo động. Hiện, đa số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp, và sử dụng tập thể, bay lắc, nên lây lan rất nhanh. Đại tá Võ Đức Nguyện nói: “Ma tuý tổng hợp thì không sử dụng cá nhân, không tự sử dụng riêng mỗi người mà tụ tập nhau lại, cộng với nhiều yếu tố khác làm lây lan rất nhanh và trong thanh thiếu niên còn tuyên truyền với nhau là sử dụng ma tuý tổng hợp là không nghiện, cái này vô cùng nguy hiểm, thực ra cái này không chỉ nghiện mà nó còn huỷ hoại cơ thể, thần kinh, bây giờ kiểm tra trên bệnh viện tâm thần thì rất nhiều bệnh nhân tâm thần có nguồn gốc sử dụng ma tuý tổng hợp, đây là vấn đề rất đáng báo động. Trong những năm vừa qua thì công an tỉnh Bình Định chúng tôi chủ trương là tập trung đánh mạnh, xử lý kiên quyết đối với những tội phạm ma tuý, không chờ nó lớn lên mà là đánh từ trong gốc, trong trứng, bao lớn cũng đánh hết, cũng bắt cũng xử lý. Mục đích không phải là trừng phạt mà mục đích là làm mạnh cái này sẽ kiềm chế được tốc độ lây lan”.

Mở đầu phần chất vấn trong phiên họp chung tại hội trường sáng nay, ông Lê Công Nhường đã làm rõ hơn về tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, việc phát triển doanh nghiệp, thị trường khoa học công nghê; hoạt động nghiên cứu, phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ….

Chất vấn người đứng đầu Sở KH&CN, đại biểu Đặng Mạnh Cường, đơn vị Quy Nhơn đặt vấn đề, Nghị định 163 quy định cấp huyện và xã chỉ chi ngân sách cho ứng dụng nghiên cứu khoa học, không chi cho hoạt động nghiên cứu, gây khó khăn cho cơ sở. Ông Lê Công Nhường cho biết sẽ đề xuất sửa đổi phù hợp với thực tế. Đại biểu Nguyễn Thành Vũ, đơn vị Tây Sơn đặt câu hỏi về tỷ lệ ứng dụng thực tế số đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đã phê duyệt, cấp ngân sách trong giai đoạn 2020-2023 và những năm trước đó. Tuy nhiên, câu trả lời của ông Lê Công Nhường chỉ dừng lại ở mức các đề tài được chuyển giao về cho cơ quan, đơn vị đặt hàng, còn vấn đề ứng dụng thực tế đề tài đó trong cuộc sống, sản xuất vẫn còn chưa rõ.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo giải trình các vấn đề đại biểu HĐND chất vấn

Tiếp đó, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo đã giải trình, trả lời các vấn đề về công tác Quy hoạch vùng cấp huyện, Quy hoạch phân khu 4 đô thị Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn để triển khai kêu gọi đầu tư, Quy hoạch các xã NTM… Liên quan tới chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách có công với nước, ông Bảo cho biết, tháng 2/2022, tỉnh thống kê gửi cho Bộ Xây dựng với hơn 5.000 hộ. Đến cuối năm 2022, qua rà soát lại, toàn tỉnh còn hơn 4.794 hộ cần hỗ trợ. Ông Trần Viết Bảo chia sẻ: “Triển khai, hỗ trợ nhà ở đối với gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ thì nội dung của chính sách sắp tới chúng tôi sẽ trình vào tháng 8, đó là đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo quy định của Nghị định 131 năm 2021. Điều kiện hỗ trợ là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây dựng mới hoặc phải sửa chữa khung, tường thay mái mới để đảm bảo theo tiêu chuẩn “3 cứng” về mức hỗ trợ theo đề án của Bộ Xây dựng mà trình Thủ tướng đã lấy các ý của các địa phương và thống nhất mức hỗ trợ mới là 60.000.000 đồng/hộ và sửa chữa là 30.000.000 đồng/hộ, cho nên chúng tôi cũng sẽ xin phép lấy theo mức như thế để đưa vào đề án của tỉnh”.

Quang cảnh thảo luận, chất vấn Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XIII


Tác giả: Trang Lê

Tin nổi bật Tin nổi bật