A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 12/7, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về Chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực.

Theo đó, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng ngày 22/6/2023, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Luật có tác động đến 139 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, gồm 11 văn bản điều ước quốc tế, 26 luật, 113 văn bản hướng dẫn các cấp. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,31 Mbps, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 42 và cao hơn trung bình thế giới là 79,28 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 47,27 Mbps, tăng 33,95% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 47 và cao hơn trung bình thế giới là 42,3 Mbps. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế số, Công nghệ giáo dục và Công nghệ tài chính. Số lượng tuyển sinh, đào tạo kỹ sư, cử nhân về máy tính và công nghệ thông tin năm 2022 đạt 70.000, tăng 16% so với năm 2021. Chính phủ số, với trọng tâm là dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến đã có những chuyển biến rõ rệt.

Đề án 06, được xem là một mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, cấp trên 45 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Cổng dịch vụ công quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2023 có 3,6 triệu tài khoản đăng ký mới, nâng tổng số tài khoản lũy kế là 7,7 triệu, ghi nhận hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính sơ bộ kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 14,96% trong GDP 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao ở mức 21% so với cùng kỳ năm 2022. Bộ Giao thông vận tải, với việc thúc đẩy triển khai chuyển đổi số cảng biển và kết nối các cảng biển nhằm nâng cao năng lực, rút ngắn thời gian phục vụ, đã bước đầu triển khai được 18/145 cảng biển trên phạm vi toàn quốc, sử dụng nền tảng số Make in Việt Nam, với chi phí chỉ bằng khoảng 10 - 20% giải pháp của nước ngoài. Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong triển khai Đề án 06.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 4 ưu tiên gồm: Ưu phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" (dữ liệu là tài nguyên), ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Đồng thời, nhấn mạnh năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân; huy động nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm các nước trên thế giới về chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông tạo đồng thuận xã hội./.


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật