A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Qúy I năm 2024

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 09/03, tại thành phố Quy Nhơn, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), UBND tỉnh Bình Định và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Qúy I năm 2024. Các đồng chí: Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp; Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFOREST chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị đánh giá, năm 2023 là năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam. Lạm phát tăng cao tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, nên chính phủ các nước này ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó các sản phẩm chế biến từ gỗ. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; chính sách phòng vệ thương mại giữa các quốc gia diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại sản phẩm gỗ và lâm sản của nước ta. Trong khi đó, những khó khăn trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách trong nước, điển hình là việc hoàn thuế giá trị gia tăng gặp nhiều khó khăn và chậm hoàn thuế, do mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc giấy tờ liên quan theo quy định của Bộ Tài chính; ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn đầu tư vào sản xuất của các doanh nghiệp. Một số làng nghề gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như việc chuyển đổi sử dụng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và gỗ nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022; trong đó: giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,113 tỷ USD (giảm 17,5%), gỗ đạt 4,354 tỷ USD (giảm 12,4%), lâm sản ngoài gỗ đạt 1,002 tỷ USD (giảm 7,7 % so với năm 2022). Giá trị xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều giảm so với năm 2022. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,171 tỷ USD, giảm 28,3% so với năm 2022. Giá trị xuất siêu đạt 12,3 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 355 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ 2023; xuất siêu 2 tháng đầu năm ước đạt 2,465 tỷ USD.

Năm 2024, dự báo sẽ có những cơ hội thuận lợi hơn để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng, phát triển thị phần, vươn mạnh ra thị trường thế giới; đồng thời, thị trường nội địa cũng là thị trường tiềm năng, tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta tiếp tục phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị kiến nghị Cục Lâm nghiệp phối hợp với VIFOREST và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. VIFOREST theo dõi, tổng hợp thu thập tình hình chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong nước và thế giới, kịp thời thông tin cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản biết, thực hiện; đồng thời, phản ảnh kịp thời những khó khăn, bất cập trong thực tiễn sản xuất liên quan đến cơ chế, chính sách để báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT và cấp trên để xem xét, giải quyết…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị (thứ 2, bên phải) chủ trì hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, cùng nhau vượt qua khó khăn; kịp thời thông tin cho nhau về các cơ chế, chính sách, các quy định mới, tình hình chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong nước và thế giới để có định hướng sản xuất phù hợp, cũng như có giải pháp tránh các rủi ro trong hoạt động. Bên cạnh đó, các hiệp hội và các doanh nghiệp cùng bàn giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm, xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang nước ngoài.  

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ liên kết với người trồng rừng theo chuỗi sản xuất; chú trọng đầu tư, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị các đơn vị của Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững; kiểm soát và quản lý chặt chẽ nhập khẩu, đảm bảo gỗ có nguồn gốc hợp pháp trước khi chế biến, khuyến khích sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu gỗ Việt; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về gỗ, sản phẩm gỗ Việt Nam ra thị trường nước ngoài./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật