A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 ngành Công Thương

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 14/7, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng; lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song, dưới sự định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã quán triệt, cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch hành động, bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt điều hành, tổ chức triển khai quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Nhờ vậy, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch đề ra, đồng đều trên tất cả các lĩnh vực góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn mức tăng chung của toàn nền kinh tế và cao hơn cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của nền kinh tế. 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Riêng Bình Định có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,17%.

Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỷ USD. Riêng Bình Định, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 842,9 triệu USD, tăng 25,3% so cùng kỳ, đạt 62,4% kế hoạch năm.        

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực phụ trách của ngành Công Thương được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công thương vẫn gặp khó khăn, hạn chế như chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao; thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực. Việc nối lại thị trường nước ngoài, chuỗi cung ứng đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường như trước khi dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Các điểm cầu tại Hội nghị

6 tháng cuối năm 2022, Ngành Công Thương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 - 9,1%...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị toàn Ngành Công Thương và các địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chủ động khắc phục hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, phối hợp triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực của ngành, nhất là đảm bảo các nguồn cung ứng nhiên, nguyên liệu, vật tư thiết yếu không để bị đứt gẫy trong khôi phục, phát triển sản xuất hàng hóa, đảm bảo cung - cầu hàng hóa cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phải chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu đề xuất những giải pháp phù hợp; ưu tiên tập trung cao tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; theo dõi chặt chẽ các ngành hàng lớn; đa dạng hóa các nguồn cung nguyên liệu, đa dạng thị trường, không để lệ thuộc thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp hưởng các chính sách của nhà nước, tạo giá trị gia tăng; phối hợp với các địa phương tích hợp quy hoạch sản xuất phát triển công nghiệp, quan tâm định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp quốc gia…

Bộ trưởng cũng đề nghị toàn ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục kiện toàn, ổn định mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh… phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật