|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025

(binhdinh.gov.vn) - Chiều nay (3/10), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Điểm cầu Bình Định

Để thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là Chương trình KHCN đặc thù, có mục tiêu, nội dung bao trùm hầu hết các lĩnh vực phát triển nông thôn, thuộc nhiều chuyên ngành KHCN, phạm vi nghiên cứu trải rộng trên địa bàn nông thôn toàn quốc, tác động đến nhiều đối tượng, trung tâm là nông dân. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua hai giai đoạn: Giai đoạn I (2011-2015, kéo dài đến 2017) thực hiện theo Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012, giai đoạn II (2016-2020, kéo dài đến 6/2022) thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong giai đoạn 2016-2021, những kết quả của Chương trình đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận cho xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Chương trình đã đề xuất được các giải pháp KHCN tổng hợp, đặc thù, phục vụ tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng trăm nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Điển hình là  trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133-500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất... Chương trình cũng đã tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó tác động rõ rệt nhất là các tiêu chí về thu nhập, việc làm, quy hoạch, thủy lợi, môi trường và chất lượng sản phẩm, văn hóa, chính trị và tiếp cận pháp luật. Ngoài ra, Chương trình còn đóng góp vào đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho các đối tượng tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ thu hút đông đảo cán bộ KHCN ở hầu hết các ngành, lĩnh vực tham gia, Chương trình đã tạo ra các kênh kết nối, cơ chế hợp tác, cung cấp được nhiều thông tin có chiều sâu về nông thôn mới cho xã hội, góp phần hình thành một lực lượng không nhỏ giới KHCN trực tiếp chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đánh giá: Chương trình giai đoạn II còn những hạn chế cả về lượng và chất của các đề tài, dự án, cũng như trong cơ chế hoạt động. Với số lượng hạn chế của các đề tài, dự án, Chương trình chưa đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu của thực tế xây dựng nông thôn mới. Còn ít đề tài nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội. Chất lượng một số để tài chưa cao, đề xuất giải pháp còn chung chung, tác động còn hạn chế. Tính bền vững của một số sản phẩm nghiên cứu chưa chắc chắn. Sản phẩm chuyển giao của một số dự án đến người dân, doanh nghiệp, HTX còn mỏng so với nhu cầu rất lớn của người dân. Số lượng các doanh nghiệp, đơn vị ngoài công lập tham gia nghiên cứu chuyển giao còn ít, chưa thu hút được tiềm năng to lớn của nguồn vốn xã hội cho nghiên cứu và chuyển giao phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Tại Bình Định, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách làm nền tảng cho hỗ trợ phát triển KHCN của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trong triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh tập trung nghiên cứu khoa học nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo sâu bệnh hại lúa trên địa bàn tỉnh và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nông nghiệp thông qua thực hiện các đề tài KHCN cấp tỉnh; đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu, phát triển sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; triển khai nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao… Nhìn chung, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tích cực về cơ chế, chính sách, các nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các vấn đề cấp bách của tỉnh. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nhất là ứng dụng KHCN vào sản xuất đời sống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả một số cây trồng vật nuôi và sản phẩm hàng hóa được nâng cao; một số dự án KHCN đã hình thành được các sản phẩm trọng điểm của tỉnh như dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, trong giai đoạn 2021-2025, các đề tài, dự án triển khai thực hiện phải bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền... Cùng với đó, các đề tài, dự án thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 được triển khai phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù và phù hợp với điều kiện của các địa phương. Chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao trong thực tiễn; phù hợp để phát triển và nhân rộng. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp lồng ghép các chương trình KHCN có liên quan để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nội dung của Chương trình trên cùng địa bàn, tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng thực hiện.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật