|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị triển khai Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 và thông qua dự thảo Kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 2/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về triển khai Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 và thông qua dự thảo Kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng, được các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương phối hợp và tổ chức thực hiện chặt chẽ, kịp thời đúng đối tượng. Việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, các chỉ tiêu, giải pháp thực hiện theo Kế hoạch số 117 đã được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, hỗ trợ đất sản xuất dự kiến có 439 hộ được hỗ trợ (kế hoạch 379). Cụ thể, Huyện An Lão có 379 hộ thiếu đất sản xuất được bố trí đất. Đến nay huyện An Lão đã thu hồi 642 ha từ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện An Lão, đã cấp đất cho 05 hộ; dự kiến trong tháng 9/2024 giao đất cho 221 hộ nghèo, hộ cận nghèo/220 ha. Còn lại 158 hộ sẽ thực hiện đến cuối năm 2024. Huyện Vân Canh dự kiến cuối năm 2024 bố trí đất cho 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện đào tạo nghề, tập huấn, bồi dưỡng qua các lớp thực hiện dự án cho 3.179 người lao động; giới thiệu việc làm 2.421 người lao động; hỗ trợ xuất khẩu lao động cho 14 người lao động; Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi kế hoạch giai đoạn 2024-2025 cho 2.737 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất 2.036 hộ. Dự kiến 9 tháng và cả năm ở các nội dung thực hiện hỗ trợ đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2024. Đã có 6.775 hộ nghèo, hộ cận nghèo có các chiều thiếu hụt về việc làm, y tế, nước sinh hoạt, nhà ở cơ bản đã được hỗ trợ và giảm các chiều thiếu hụt của hộ.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2025 là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. 

Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,13% giảm 2% so với năm 2023 (8.848 hộ nghèo thoát nghèo) đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (dự kiến cả nước còn từ 1,93% - 1,83%). Năm 2025, tiếp tục duy trì tỷ lệ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 0,7% so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước (dự kiến cả nước còn từ 0,9%-0,8%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3%/năm đến 4%/năm. Một số xã, phường của thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn không còn hộ nghèo. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dưới 6%. Huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ UBND tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh là thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách BHXH; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; phấn đấu thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động. Quản lý sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH. Xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh và bền vững người tham gia BHXH, BHTN, người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chú trọng tăng người tham gia BHXH tự nguyện; nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn để hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, chủ sử dụng lao động duy trì việc làm, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN cho người lao động theo đúng quy định.

Cụ thể, Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 22,50%, tăng 4,27% (tương ứng tăng 9.984 người tham gia) so với năm 2023 (trong đó: tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc đạt 19,15%, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,35%). Tăng 3,2% so với Nghị quyết số 75-NQ/HĐND ngày 06/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tăng cao hơn 0,52% so với cả nước (dự kiến năm 2024 cả nước đạt 43%, tăng 3,75% so với năm 2023).

Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN đạt 18,04%, tăng 2,89% (tương ứng tăng 4.127 người tham gia) so với năm 2023. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN tăng cao hơn 0,91% so với cả nước (dự kiến năm 2024 cả nước đạt 33,5%, tăng 1,98% so với năm 2023). Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt 12,95%, tăng cao 0,25% so với năm 2023 (tương ứng 757 người).

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 41,2%, tăng 22,97% (tương ứng tăng 147.442 người tham gia) so với năm 2023 (trong đó, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc đạt 36,20%, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện đạt 5,00%). Từ năm 2023 đến năm 2030, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bình quân mỗi năm tăng 3,29% (tương ứng 21.063 người tham gia), trong đó: tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc tăng 2,88% (tương ứng 18.440 người tham gia), tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện tăng 0,41% (tương ứng 2.623 người tham gia). Tốc độ tăng cao hơn 2,17% so với cả nước (dự kiến năm 2030 cả nước đạt 60%, tăng 20,80% so với năm 2023).

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN đạt 34,2%, tăng 19,05% (tương ứng tăng 120.384 người tham gia) so với năm 2023. Từ năm 2023 đến năm 2030, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bình quân mỗi năm tăng 2,72% (tương ứng 17.198 người tham gia). Tốc độ tăng cao hơn 5,57% so với cả nước (dự kiến năm 2030 cả nước đạt 45%, tăng 13,48% so với năm 2023).

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt 41,50%.

Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp trọng tâm việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2025 cũng như phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững để các cấp, các ngành, các địa phương hiểu và thống nhất thực hiện. Bên cạnh đó, tuyên truyền kịp thời các gương điển hình trong lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo, các mô hình hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo biết và học tập, noi theo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở TN&MT phối hợp với huyện An Lão nhanh chóng giao đất sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo trước tháng 9/2024. Đồng thời, lưu ý các địa phương phải rà soát tình trạng, nhu cầu từng hộ nghèo, cận nghèo ở từng địa phương để có phương án hỗ trợ phù hợp, kịp thời và bền vững. Các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cộng đồng, sản xuất kinh doanh theo chuỗi cho các hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó giúp các hộ dân này tăng thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững. 

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, địa phương đánh giá cụ thể hiệu quả của công tác giảm nghèo trong từng tháng. Từ đó kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp cho giai đoạn sau.

Đối với công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BHXH tỉnh và các cơ quan, ban, ngành liên quan đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHTN. Bên cạnh đó, Tăng cường thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động; đồng thời rà soát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các doanh nghiệp chưa đóng, đóng chưa đầy đủ BHXH, BHTN cho người lao động; đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp xử lý các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHTN, không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về BHXH, BHTN đối với người lao động hoặc chây ì, không chấp hành kết luận sau thanh tra, kiểm tra; không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có). Các địa phương, ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành lập DN và phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm để thực hiện tốt chỉ tiêu đã đề ra…


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật