A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến và trực tiếp về đánh giá công tác an toàn thực phẩm 05 tháng đầu năm 2024 và triển khai công tác phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trong tình hình hiện nay

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 28/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến và trực tiếp về đánh giá công tác an toàn thực phẩm 05 tháng đầu năm 2024 và triển khai công tác phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trong tình hình hiện nay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh Bình Định về an toàn thực phẩm chủ trì Hội nghị. 

Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, toàn tỉnh hiện có 21.553 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, tuyến tỉnh quản lý 5.617 cơ sở; tuyến huyện quản lý 3.551 cơ sở; tuyến xã quản lý 12.385 cơ sở. Trong 05 tháng đầu năm 2024, UBND các cấp, các sở, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ công tác quản lý ATTP theo chức năng nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp. Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức đã phối hợp đồng bộ nên các hoạt động bảo đảm ATTP ở các địa phương trong tỉnh đạt được kết quả cao, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về ATTP giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Người tiêu dùng chú trọng quan tâm hơn về việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn, hạn chế tình trạng NĐTP xảy ra trên địa bàn. Theo đó, các ngành: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như phát thanh, đăng tin bài, tổ chức hội nghị, tập huấn...Bên cạnh đó, Công an tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động phối hợp tuyên truyền công tác chấp hành pháp luật về ATTP đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Báo Bình Định chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP, các sở, ban, ngành, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP cấp huyện, cấp xã thông tin tuyên truyền khách quan, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm; tuyên truyền về công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tăng cường giám sát, hậu kiểm. Tại tuyến huyện và tuyến xã, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn thường xuyên truyền tải các thông tin, các chuyên đề, các kiến thức về ATTP. Các hoạt động truyền thông trực tiếp như tập huấn, nói chuyện chuyên đề tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường tại các vùng sâu, vùng xa.

Công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn tiếp tục được triển khai thu hút nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tham gia giới thiệu sản phẩm. Hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, mô hình chợ ATTP ngày càng được nhân rộng và phát triển.

Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn tỉnh cũng được duy trì, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Hoạt động giám sát ATTP tại các cơ sở thuộc lĩnh vực Y tế quản lý được tổ chức thực hiện ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh giám sát ATTP tại 749 cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, trong đó, tuyến huyện giám sát 173 cơ sở, tuyến xã 576 cơ sở. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng Kế hoạch lấy 200 mẫu trong tháng 5 và tháng 6 năm 2024, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh bánh mỳ trên địa bàn tỉnh nhằm cảnh báo nguy cơ gây NĐTP cho người dân. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi với 17 mẫu…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác an toàn thực phẩm 05 tháng đầu năm 2024, một số mặt còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai công tác phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới.

Đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh Bình Định về an toàn thực phẩm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh Bình Định về an toàn thực phẩm, nhấn mạnh vấn đề đảm bảo ATTP rất quan trọng, là vấn đề cấp bách và lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khoẻ người dân. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác an toàn thực phẩm thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã nêu ra một số tồn tại và hạn chế như: đối tượng chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông lâm thủy sản rất đa dạng, khá nhỏ lẻ; quy mô sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, hộ gia đình, sản xuất kinh doanh theo mùa vụ… nên công tác quản lý nhà nước về ATTP còn gặp nhiều khó khăn; Việc xử lý các vi phạm về ATTP đối với cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố của UBND cấp xã chưa nghiêm, hình thức chủ yếu là nhắc nhở nên chưa tạo được ý thức chấp hành pháp luật của loại hình cơ sở này.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và công tác phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Lâm Hải Giang đề nghị các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể, các địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 14/10/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trước mắt tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 21/5/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời đưa tin, biểu dương, phản ánh các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị đẩy mạnh công tác hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm nông lâm thủy sản. Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt tập trung vào các dịp lễ, tết và “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Đồng thời, hàng tháng cập nhật, công khai và thông tin kịp thời kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP; phân loại A/B/C của cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; kết quả giám sát, xử lý vi phạm…


Tác giả: DTD

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật