A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Bình Định về triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 20/7, tại huyện Tây Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Tây Sơn.

Quang cảnh làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, giai đoạn 2021- 2025, huyện Tây Sơn đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho huyện Tây Sơn là 83 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến nay hơn 39,5 tỷ đồng, đạt 47,1%. 

Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện

Qua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thiết chế hạ tầng KT-XH ở nông thôn, khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư hoàn thiện; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị; người dân được tăng cường tiếp cận thông tin, chính sách, pháp luật nên thay đổi tư duy nhận thức và được tập huấn, hướng dẫn, tham quan học tập các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia ở huyện Tây Sơn còn một số tồn tại như: Văn bản hướng dẫn một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình ban hành muộn và còn chung chung, nên gây khó khăn cho các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và giải ngân, nhất là nguồn vốn sự nghiệp; Hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện quá nhiều gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện cho cán bộ, công chức ở cấp cơ sở. Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện Tây Sơn đã đề xuất, kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia trong đó kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét bổ sung đối tượng thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực II, III được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. “Đối với tiêu dự án 1 của dự án 3, đó là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân, Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ quy định khi thực hiện dự án đối với các thôn mà thuộc xã khu vực II, III thì sẽ được hỗ trợ theo chương trình này, còn nếu khó khăn mà không thuộc khu vực này thì không được hưởng chính sách mục tiêu quốc gia của dự án dẫn đến việc tổ chức thực hiện bất cập”. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thông tin tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023 và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã thông tin một số kết quả phát triển KT-XH của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023, kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023. Đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình trên địa bàn tỉnh hơn 1.468 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hơn 1.268 tỷ đồng. Năm 2023, nguồn vốn thực hiện 3 chương trình của tỉnh gần 949 tỷ đồng, tới nay tổng vốn đã giải ngân được hơn 221 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 23,3% kế hoạch.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét giải quyết một số vấn đề như: không tính diện tích đất lúa, đất rừng phục vụ dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, qua địa phận tỉnh vào chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ trên địa bàn tỉnh Bình Định tại Quyết định số 326 ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư mở rộng Cảng hàng không Phù Cát; Phê duyệt đề xuất Dự án Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa, thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định vay vốn Cơ quan phát triển Pháp (AFD).

Đối với các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ủy ban Dân tộc xem xét, bổ sung thêm kinh phí để hỗ trợ nhà ở, đất ở cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bổ sung đối tượng thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực II, III được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân theo quy định tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Chính phủ; xem xét, chỉ đạo sớm có hướng dẫn tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” để địa phương tổ chức đào tạo nghề; có hướng dẫn cụ thể một số tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; giao UBND các tỉnh, thành rà soát nội dung, đối tượng, kinh phí của từng tiểu dự án, dự án thành phần các Chương trình mục tiêu Quốc gia để xem xét điều chỉnh nội dung, nguồn kinh phí các chương trình để đạt mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ vui mừng trước sự đổi thay tích cực của Bình Định trên các lĩnh vực, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển mạnh, đời sống người dân ngày càng tốt lên. Các chỉ số cạnh tranh liên quan tới cải cách hành chính có sự cải thiện rất tốt. Đối với cơ cấu thu ngân sách, dù tỉnh chưa có các dự án động lực nhưng có sự đồng bộ, có tính chất bền vững, trong đó có sự chung tay đóng góp của các thành phần kinh tế. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, chúc mừng các kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng thời đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên tất các lĩnh vực. Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ nỗ lực hơn, đưa các dự án lớn về với tỉnh Bình Định.

Đối với các ý kiến kiến nghị của huyện và tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý tỉnh Bình Định trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cần thực hiện lồng ghép hiệu quả; tính toán đầu tư tránh tình trạng dàn trải, manh mún, phát huy được hiệu quả đầu tư.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu, đối với các chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới), tuy Bình Định vốn phân bổ không nhiều chỉ 1.500 tỉ đồng nhưng tỉnh phải cố gắng chắt chiu, làm việc gì ra việc đó. Phó Thủ tướng đề nghị: “Tới đây, tỉnh tính toán cho làm sao thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Địa phương nào làm tốt, Chính phủ sẽ phân bổ thêm nguồn vốn. Ngoài ra, tỉnh cũng cần đẩy mạnh tối đa sự phân cấp trong quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia”. 


Tác giả: Trang Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật