|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với UBND tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 8/8, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về hoạt động khảo sát phục vụ xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị và xây dựng Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số. Đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khoá XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, công tác ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến mới cả về nhận thức và hành động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Các chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, có hệ thống từ tỉnh đến cơ sở và đã đạt được kết quả quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, doanh nghiệp, bảo đảm khoa học, nhanh chóng, chính xác, văn minh, hiện đại; nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân của các cơ quan nhà nước. Quyết tâm chính trị về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, đã tác động mạnh đến cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động trên địa bàn.

Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư và phát triển theo đúng định hướng và quy hoạch; chú trọng tăng cường số lượng và chất lượng nguồn lực công nghệ thông tin để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công nghệ thông tin được nâng cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong các cơ quan đảng, cơ quan quản lý hành chính nhà nước và trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Tỉnh đã góp ý một số nội dung để xây dựng Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số. Cụ thể, tỉnh đề xuất bổ sung nhận định về hiệu quả của việc triển khai xuất phát từ cách nghĩ, cách làm; đặc biệt là việc chuyển đổi từ “ứng dụng CNTT” sang “chuyển đổi số”. Thống nhất với đánh giá công nghiệp CNTT có sự phát triển mạnh mẽ, nhưng chưa hình thành được doanh nghiệp lớn có uy tín quốc tế; mặc dù doanh thu công nghiệp phần cứng điện tử cao, giá trị gia tăng lại thấp chủ yếu do gia công và đề xuất bổ sung nhận định: “Công nghiệp CNTT phát triển nhưng chưa bền vững và thiếu đổi mới sáng tạo”. Bổ sung nội dung về thiếu cơ chế, chính sách, cách làm để triển khai các nền tảng số quốc gia thực sự hiệu quả. 

Về dữ liệu số, tỉnh đề xuất bổ sung quan điểm liên quan đến Dữ liệu số là cốt lõi, là huyết mạch của quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh, ưu tiên nhiệm vụ “Tăng cường công khai, chia sẻ dữ liệu công (open data)” vì số tập dữ liệu mở là thông số đánh giá chính, quan trọng của quá trình xây dựng Chính phủ số.

Đề xuất bổ sung các nội dung: Tập trung hoàn thiện và đầu tư tập trung các nền tảng số quốc gia trên quy mô toàn quốc. Nghiên cứu phân quyền khai thác dữ liệu cho địa phương trên tập dữ liệu của địa phương trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh Trung tâm dữ liệu số quốc gia và các CSDL quốc gia.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các nhận định, đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 và định hướng nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá Bình Định có điều kiện hạ tầng viễn thông và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin khá tốt. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phát triển KT-XH đúng hướng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh quan điểm Chuyển đổi số phải thiết thực, hiệu quả và gắn với chuyển đổi xanh; lấy người dân làm trung tâm; phải toàn diện, đồng bộ trên cả ba trụ cột, gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bên cạnh đó, đồng chí Thứ trưởng đề nghị tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác chuyển đổi số. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số.

Về các kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Phạm Đức Long sẽ tổng hợp tham mưu trình Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cảm ơn Thứ trưởng Bộ TT&TT đã dành sự quan tâm cho công tác phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trong thời gian tới. 


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật