Chương trình phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bình Định
(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh vừa ký Quyết định ban hành “Chương trình phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022 – 2030”.
Ảnh minh họa
Theo đó, Chương trình đặt ra mục tiêu chung là kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Về mục tiêu cụ thể: Đối với phòng, chống bệnh Dại ở động vật, quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025; trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030. Tiêm vaccine Dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030. Trên 70% số huyện, thị xã, thành phố giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030. Xây dựng thành công ít nhất 1 vùng an toàn dịch bệnh Dại cấp huyện (ưu tiên thành phố Quy Nhơn) và ít nhất 02 vùng an toàn dịch bệnh Dại cấp xã (ưu tiên chọn thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn).
Đối với phòng, chống bệnh Dại ở người, 100% các huyện, thị xã, thành phố có điểm tiêm vaccine Dại và huyết thanh kháng Dại cho người. 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh Dại ở cộng đồng, trường học. 100% số người tiêm vaccine phòng bệnh Dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia. 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh Dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh Dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Chương trình đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Quản lý đàn chó, mèo; Tiêm phòng vaccine Dại cho đàn chó, mèo; Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại; Điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại; Giám sát bệnh Dại trên động vật; Giám sát bệnh Dại trên người; Tăng cường năng lực xét nghiệm; Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh Dại; Kiểm soát vận chuyển chó, mèo;…