A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 16/6/2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3370/UBND-KT yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Theo đó, quán triệt, tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 11/3/2022 về Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định, Văn bản số 1624/UBND-KT ngày 30/3/2022 về việc tổ chức, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và tăng cường thực hiện các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021- 2025 về phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng (LMLM) gia súc, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trâu, bò đã được UBND tỉnh phê duyệt; Văn bản số 2642/BNN-TY ngày 29/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; các hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông Nghiệp và PTNT phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu, bò, LMLM gia súc, Tai xanh lợn và tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, bị bệnh, chết, không qua kiểm soát thú y. Nêu gương những mô hình tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả để các địa phương học tập và nhân rộng. Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, kiểm soát tái đàn, tiêm phòng và giám sát bảo hộ vaccine sau tiêm phòng; hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, đôn đốc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, VietGAHP theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 1190/TB-BNN-VP ngày 02/3/2022, từng bước hình thành vùng nguyên liệu an toàn, tiến tới hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh; Chú trọng, kiểm soát tái đàn, tiêm phòng, khai báo chăn nuôi, báo cáo định kỳ và quản lý hoạt động kinh doanh thuốc, vaccine thú y trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ trì phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các địa phương tham mưu xây dựng Đề án Củng cố, kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 4225/QĐ-UBND ngày 20/10/2021. Phối hợp Sở Tài chính đề xuất cơ chế hỗ trợ tiêm phòng vaccine phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, sau khi vaccine được phép lưu hành trên thị trường.

Mặt khác, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức kiểm tra quy trình tiêm phòng, hướng dẫn xử lý kỹ thuật và đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Tăng cường kiểm tra hoạt động phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, đảm bảo đúng quy trình kiểm dịch theo quy định.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan phối hợp với cơ quan thú y trong công tác tuyên truyền, chia sẻ thông tin, giám sát dịch tễ, phát hiện và xử lý ổ dịch, nhất là địa bàn huyện Vân Canh, đã xảy ra dịch Cúm gia cầm; tổ chức kiểm tra sức khỏe lực lượng tham gia công tác tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm tại các địa phương, phát huy hiệu quả quy chế phối hợp theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối kinh phí, đề xuất cơ chế hỗ trợ tiêm phòng vaccine phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Sở Nội vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính và các địa phương tham mưu xây dựng Đề án Củng cố, kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 4225/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác giám sát, phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu, bò, Lở mồm long móng gia súc. Chú trọng công tác tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục, đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định. Đồng thời, tiếp tục duy trì tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu, bò cho số gia cầm nuôi mới, tái đàn và số trâu, bò, bê nghé trong diện tiêm, chưa được tiêm phòng. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả tiêm phòng và công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật thuộc địa bàn, nhất là để xảy ra dịch bệnh do chủ quan, lơ là. Chủ động sẵn sàng tổ chức chống dịch khi xảy ra tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo tổ chức triển khai công tác kê khai chăn nuôi, tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định. Trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh nếu không có danh sách khai báo chăn nuôi, s xem xét, không hỗ trợ. Tích cực vận động các trang trại chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, VietGAHP theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 1190/TB-BNN-VP ngày 02/3/2022; hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động của đội ngũ dẫn tinh viên, thú y hành nghề tư nhân, các cơ sở chăn nuôi, gắn với trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn: Giao trách nhiệm cho thú y cơ sở và Trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh. Phát hiện và báo cáo nhanh dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ động tổ chức triển khai công tác vệ sinh tiêu độc sát trùng môi trường chăn nuôi, tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh, khai báo chăn nuôi tại địa phương. Duy trì tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm cho các đối tượng vật nuôi chưa được tiêm phòng (ngoài đợt tiêm phòng chính), đảm bảo đủ liều, đủ mũi theo quy định; nhất là Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu, bò. Cơ chế hỗ trợ vaccine Viêm da nổi cục thực hiện theo Văn bản số 1185/UBND-KT ngày 09/3/2022 của UBND tỉnh. Hàng tháng rà soát, tổng hợp số lượng đàn vật nuôi thuộc địa bàn để tổ chức quản lý, đánh giá tăng giảm đàn, báo cáo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để theo dõi. Đồng thời, rà soát các hộ nuôi chim Trĩ thuộc địa bàn để hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc sát trùng và hợp tác với chính quyền địa phương, thú y cơ sở, báo cáo kịp thời dịch bệnh. Đối với các huyện miền Núi (An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh), trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhận định mùa mưa có thể đến sớm hơn, do đó cần chủ động kế hoạch cụ thể để triển khai sớm tiêm phòng vaccine Tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò thuộc địa bàn so với kế hoạch của UBND tỉnh, đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định.


Tác giả: Thùy Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật