A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(binhdinh.gov.vn) - Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 918/VPCP-V.I ngày 01/4/2022 của Văn phòng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh; thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2022; UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Kế hoạch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là các ngành, địa phương) chỉ đạo thực hiện thường xuyên nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm khắc khục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, nhất là trên các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: các chính sách, pháp luật liên quan công tác đấu thầu, đấu giá, mua sắm, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, tài sản công, quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ nhiệm vụ thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật do các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trình HĐND và UBND tỉnh ban hành trong năm 2022; đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh còn hiệu lực để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế, bãi bỏ những văn bản, quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, có sơ hở, gây khó khăn, vướng mắc, thiếu nhất quán trong quá trình áp dụng thực hiện hoặc dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, đồng bộ, bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực đã đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước, gắn với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 25/TB-VPCP ngày 27/01/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương.

Thanh tra tỉnh và các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các cuộc thanh tra trong kế hoạch thanh tra được duyệt năm 2022; kịp thời chỉ đạo tiến hành thanh tra đột xuất, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, nhất là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây bức xúc trong dư luận Nhân dân; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 23/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân; kịp thời chỉ đạo cung cấp thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần định hướng dư luận, tạo sự quan tâm, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Người đứng đầu các ngành, địa phương phải gương mẫu, quyết liệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời chỉ đạo tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật