A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 3083/UBND-VX về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh.

Đoàn viên thanh niên tham gia phát quang bụi rậm ngăn không cho muỗi ẩn trú, sinh sản và phát triển (Ảnh minh họa).

Tính từ đầu năm đến ngày 13/7, toàn tỉnh ghi nhận 2.948 ca mắc SXH Dengue, có một trường hợp tử vong. Các ca bệnh được ghi nhận tất cả ở 11 huyện, thị xã, thành phố, nhất là thành phố Quy Nhơn (835 ca), thị xã An Nhơn (446 ca), huyện Phù Cát (372 ca), Tây Sơn (325 ca) và Tuy Phước (307 ca), ít nhất là An Lão 03 ca.

Thực hiện Công văn số 5468/BYT-DP ngày 14/7/2016 và để chủ động triển khai tổ chức phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả, kiên quyết không để dịch bùng phát lây lan trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiên quyết các ngành, các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch SXH tại địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế; với mục tiêu quyết tâm kiềm chế, kiểm soát, tiến tới dập tắt dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, giảm số ca mắc SXH và hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong; Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, đa dạng hóa các kênh truyền thông phù hợp với thực tế của mỗi địa phương, nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh SXH của nhân dân để họ tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức triển khai một cách hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư, phun hóa chất diệt muỗi nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh; Cân đối bổ sung, bảo đảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH tại đơn vị, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban, đoàn thể tại địa phương: Tuyên truyền, vận động thực hiện phòng, chống dịch bệnh SXH đến tận hộ gia đình để người dân biết và tự giác kiểm tra, loại trừ ổ chứa lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi, áp dụng các biện pháp đề phòng muỗi đốt và tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh SXH tại địa phương; hướng dẫn người dân cách phát hiện sớm ca bệnh và đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm và gây tử vong; Triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, bảo đảm hạ thấp chỉ số bọ gậy xuống dưới ngưỡng an toàn và duy trì hoạt động này hàng tuần trong thời gian có dịch, đặc biệt tại các công trường xây dựng, khu vực tập trung dân cư, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém; Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; Huy động lực lượng phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH có hiệu quả.

Ngoài ra, Sở Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH một cách hiệu quả, thiết thực. Chủ động phối hợp, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và nội dung tuyên truyền phòng chống bệnh SXH cho các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, hội đoàn thể liên quan để thực hiện tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân biết, thực hiện; Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện, phối hợp các địa phương xử lý sớm, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng; có kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất và phương tiện, thuốc men, bảo đảm thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời các ca bệnh theo đúng phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, giám sát việc tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi, tính toán sự ảnh hưởng của thời tiết để bảo đảm việc xử lý đạt hiệu quả cao; đảm bảo dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, phương tiện… đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị cho bệnh nhân; Tổ chức điều tra, đánh giá, phân tích nhằm xác định tình hình dịch, địa bàn trọng điểm, đối tượng nguy cơ nhằm đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình dịch bệnh; Thường xuyên báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh; đánh giá việc triển khai thực hiện của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định và Đài truyền thanh các địa phương, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và các hội, đoàn thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông và tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh./.

T.T.T


Tin nổi bật Tin nổi bật