A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tich UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà tại cuộc họp bàn biện pháp ngăn chặn việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 03/9/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp ngăn chặn việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.

Sau khi nghe Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong bảy tháng đầu năm 2013 trên địa bàn ba huyện Vĩnh Thạnh, An Lão và Vân Canh; tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại khoảnh 4, tiểu khu 192 xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, ý kiến tham gia của các thành viên tham dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo Số 167/TB-UBND ngày 06/9/2013 như sau:


1. Trong thời gian vừa qua, mặc dù có nhiều cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng nhưng tình hình chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép có nhiều diễn biến phức tạp. Tính chung trong bảy tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 46 vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng thiệt hại 14,261 ha (địa bàn huyện Vĩnh Thạnh 45 vụ, diện tích 10,693 ha; địa bàn huyện Yân Canh 01 vụ, diện tích 3,568 ha), so với cùng kỳ năm 2012 tăng 38 vụ, điện tích tăng 12,611 ha. Đối tượng phá rừng chủ yếu là người dân địa phương. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi hơn, vì vậy công tác điều tra phát hiện đối tượng phá rừng gặp nhiều khó khăn. Tình hình trên có những nguyên nhân chủ yếu là:


- Nguyên nhân khách quan: do đời sống của một bộ phận người dân nông thôn miền núi gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; một bộ phận nhân dân vẫn thiếu đất sản xuất hoặc vẫn duy trĩ tập quán canh tác lạc hậu phá rừng làm nương rẫy. Một số đối tượng lợi dụng việc xây dựng các công trình thuỷ điện, tuyến đường giao thông trên đất lâm nghiệp để phá rừng, khai thác rừng trái phép.


- Nguyên nhân chủ quan: Một số nơi, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên về công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất đai. Một số chủ rừng là các công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng chưa đủ năng lực đê quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao. Việc phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.


Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian đến, yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:


Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư. Vận động các hộ gia đình sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng và phát triển rừng ở cộng đồng dân cư và có kế hoạch giám sát hiệu quả việc thực hiện; phát huy vai trò của già làng trong công tác bảo vệ rừng. Chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và đất đai. Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ- TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 04/3/2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp câp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép rừng; vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của nhà nước; phòng cháy, chữa cháy rừng và chống người thi hành công vụ. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước. Bên canh đó, các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất thông qua các chương trình dự án được nhà nước đầu tư trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, tiếp tục thực hiện kiểm tra, thống kê tình hình thiếu đất sản xuất của nhân dân, sử dụng nguồn vốn của Chương trình 30a để khai hoang, mở rộng diện tích, bố trí đất cho nhân dân, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất đai trái phép để làm nương, rẫy. Đồng thời tiếp tục khuyến khích nhân dân đã được giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng phát triển các mô hình trồng xen dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập và chăm sóc, bảo vệ rừng bền vững.


2.Về một số vấn đề cụ thể:

- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với ngành, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và lấn chiếm đất đai.


- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn cho các đơn vị chức năng của huyện Phù Mỹ có biện pháp xử lý dứt điểm vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại khoảnh 4, tiểu khu 192 xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ.


- Yêu cầu UBND huyện An Lão tiếp tục kiểm tra và kịp thời xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn.


- Yêu cầu UBND huyện Vĩnh Thanh chỉ đạo chính quyền các xã có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ rừng, đồng thời xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ phá rừng trong thời gian vừa qua, quản lý và sử dụng theo kế hoạch diện tích đất rừng đã thu hồi do dân phá rừng trái phép để trồng rừng.


- Về giải quyết việc trùng, lấn địa giới hành chính của huyện Vĩnh Thạnh với huyện Kbang, tỉnh Gia Lai và giữa huyện Hoài Ân và An Lão, yêu cầu UBND các huyện có liên quan báo cáo tình hình bằng văn bản, gửi UBND tỉnh và Sở Nội vụ để có biện pháp đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.


T.M


Tin nổi bật Tin nổi bật