A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 7 và 7 tháng năm 2022 tiếp tục đà hồi phục, phát triển khởi sắc

(binhdinh.gov.vn) - Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 7 và 7 tháng năm 2022 diễn ra trong bối cảnh áp lực lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tăng cao và kéo dài, giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng mạnh; tình hình xung đột ở Ukraina vẫn chưa chấm dứt; nhu cầu thị trường có xu hướng hồi phục nhưng không ổn định,... nhưng vẫn tiếp tục đà hồi phục, tăng trưởng so với cùng kỳ, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Lễ khởi công xây dựng nhà máy Kurz Việt Nam, một trong những dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh năm 2022

Mặc dù sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 7 đạt tốc độ tăng khá với mức tăng 7,23% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 6,68% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,51%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,67%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,43%; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 31,08%.

Trong các nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Trong đó, nhóm ngành tăng cao như: Chế biến thực phẩm; Sản xuất đồ uống; dệt; sản xuất trang phục; chế biến gỗ; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế. Cụ thể như sau:

- Ngành chế biến thực phẩm tăng 9,4% do nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) phát huy hiệu quả, xuất khẩu nhóm ngành thủy sản tăng cao (Phi lê cá và các loại thịt cá tăng 73,08%; tôm đông lạnh tăng 41,27%). Nhóm ngành thức ăn chăn nuôi vẫn giữ được tốc độ tăng khá, thức ăn gia súc tăng 4,51%; thức ăn gia cầm tăng 17,68%. Tuy nhiên, khó khăn mà ngành chế biến thực phẩm đang giải quyết là giá nguyên liệu đầu vào ngành chế biến thức ăn chăn nuôi tăng do giá xăng, dầu tăng; thiếu hụt nguồn cung lương thực như ngô, lúa mì,… các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

- Sản xuất đồ uống tăng 18,3%, trong đó, sản lượng bia đóng chai tăng 16,5% do hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn phát triển mạnh sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Nhóm ngành sản xuất trang phục, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng lần lượt 11,9% và 19%. Các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm, trong đó xuất khẩu đang có xu hướng tăng mạnh.

- Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 13,9%. Trong đó, dung dịch đạm huyết thanh tăng 15,3%, thuốc nước để tiêm tăng 67,3%. 

- Ngành chế biến giường, tủ, bàn, ghế tăng 17,1%. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp. Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và kết nối được với các thị trường nước ngoài, hàng hóa được xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong 7 tháng năm 2022 ngành sản xuất và phân phối điện của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhờ lượng nước các hồ thủy điện tích trữ tốt, đảm bảo cho hoạt động sản xuất và phân phối điện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện năng lượng mặt trời và điện gió đi vào hoạt động, đóng góp vào giá trị sản xuất của ngành điện. Trong đó, sản lượng điện sản xuất tăng 29,4% và sản lượng điện thương phẩm tăng 3,6%.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,43%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,55%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 4,27%.

Những tháng cuối năm 2022, để tiếp tục duy trì tốc độ phục hồi, đảm bảo sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng đạt mục tiêu, kế hoạch theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra, UBND tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiếp tục duy trì, ổn định sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; trong đó, tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình thế giới và hướng dẫn, thông báo của các Bộ, ban, ngành Trung ương để kịp thời xây dựng các giải pháp nhằm chủ động đối phó, thích ứng, duy trì sự ổn định và phát triển công nghiệp của tỉnh.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp (kể cả hợp tác xã, hộ kinh doanh) tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước về miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất, tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… để đơn vị sớm ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án năng lượng tái tạo, công nghiệp, du lịch,... tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư tại Bình Định.


Tác giả: Tấn Hùng

Tin nổi bật Tin nổi bật