|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ công bố huyện Phù Cát đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 26/7, tại huyện Phù Cát, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ công bố huyện Phù Cát đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Tham dự buổi lễ, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Đảng; Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Về phía đại biểu tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Quang cảnh Lễ công bố huyện Phù Cát đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của huyện Phù Cát khá thấp. Năm 2011, nông nghiệp chiếm tỉ trọng 40,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28,8% và dịch vụ - thương mại chiếm 30,6% trong cơ cấu kinh tế của huyện; thu nhập bình quân đầu người ở mức 19,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 15,76%, số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 6,7 tiêu chí/xã, văn hóa - xã hội chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phù Cát có diện mạo khang trang, đời sống nhân dân ngày càng khá giả. Đến năm 2021, Phù Cát có 16/16 xã (100%) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới đều đạt. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2021 là 50,7 triệu đồng/người/năm, gấp 2,6 lần so với năm 2011 (tăng 31,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2021 là 2,88% (giảm 12,88% so với năm 2011).

Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, huyện Phù Cát đã chú trọng huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn lực ngân sách nhà nước các cấp, huyện đã chỉ đạo các xã, thôn chủ động vận động các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt. Từ năm 2011 đến năm 2021, tổng nguồn vốn được huy động để xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện đạt 7.166,54 tỷ đồng.

Đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thứ 3 từ trái sang) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Phù Cát đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và tặng hoa cho huyện Phù Cát.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, biểu dương những thành tích mà huyện Phù Cát đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đó đã góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt, thu hút được sự chung tay hưởng ứng của Nhân dân với tinh thần tự lực, tự cường chủ động, sáng tạo, mỗi người dân thực sự là chủ thể của phong trào nông thôn mới.

Đồng chí Lê Minh Hoan lưu ý, việc công bố đạt chuẩn nông thôn mới là nhằm đánh giá, ghi nhận thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của huyện Phù Cát; đồng thời, động viên khích lệ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phù Cát tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nhằm giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn mới Bình Định đang thay đổi mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại; môi trường nông thôn ngày càng văn minh, sạch đẹp; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao. Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 83/113 xã được công nhận đạt chuẩn đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 73,45%; có 07 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 05/11 đơn vị cấp huyện (thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. 

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung: Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra tại Chương trình hành động số 11 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác giám sát và thực hiện vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, cần chú trọng phát huy sức mạnh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy vai trò của Hội Nông dân, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học - công nghệ. Duy trì, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, ưu tiên các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu không để chênh lệch lớn giữa các vùng. Nâng cao hiệu quả đầu tư, tích hợp một số chương trình đầu tư đang triển khai trên địa bàn nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật