A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo khoa học quốc tế về vật lý thiên văn SAGI 2022

(binhdinh.gov.vn) - Tiếp nối chuỗi sự kiện khoa học quốc tế 2022, trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 18” năm 2022, sáng ngày 25/7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức 2 Hội thảo khoa học quốc tế về vật lý thiên văn SAGI 2022 và Hội thảo về Vũ trụ vàng: Vật lý Thiên văn Hạt Nhân, Tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin. Nhân dịp này, TS Nguyễn Trọng Hiền, làm việc tại Trung tâm khảo cứu NASA tuyên bố thành lập Nhóm Vật lý thiên văn tại ICISE dưới sự tài trợ của Quỹ Simons, Mỹ...

Các đại biểu chụp hình trước sảnh Hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học học và Công nghệ, Ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển Khoa học NAFOSTED, TS. Lê Công Nhường – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Định.

Về phía các nhà khoa học trong nước và quốc tế, hội nghị chào đón sự tham dự của GS. Jean Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, GS. Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp, GS. Thierry Montmerle - Nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp hội Thiên văn quốc tế, và các giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu khác đến từ khắp nơi trên thế giới cùng các học sinh ưu tú trong ngành vật lý tại các trường chuyên Bình Định tham dự.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, GS. Jean Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã giới thiệu sơ bộ nội dung mà các nhà khoa học quốc tế, trong nước trao đổi tại 2 hội thảo khoa học trên. Hội nghị chia sẻ, thảo luận xoay quanh chủ đề Vũ trụ vàng: Vật lý Thiên văn Hạt Nhân, Tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin; Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ trong những năm qua, Việt Nam vẫn luôn coi trọng và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản. Do đó, Ông rất vui mừng khi Việt Nam cũng đã từng bước tạo lập được môi trường học thuật tiên tiến và lành mạnh trong nước, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài về nước tiếp tục phát triển các trường phái nghiên cứu tiên phong, hình thành được các tập thể khoa học mạnh có trình độ quốc tế. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định và cá nhân Giáo sư Trần Thanh Vân vì đã luôn nỗ lực, chung tay xây dựng cộng đồng khoa học Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hội nhập quốc tế và mong muốn thường xuyên được gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học trong và ngoài nước tại các sự kiện khoa học vô cùng ý nghĩa tại Trung tâm Khoa học và giáo dục liên ngành trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chia sẻ hội thảo lần này chính là nhịp cầu, là cơ hội để giúp các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, đặc biệt là các sinh viên, nghiên cứu sinh có điều kiện để gặp gỡ, trao đổi và cập nhật các kiến thức trong lĩnh vực nghiên cứu Thiên văn học, Vũ trụ học. Không chỉ vậy, Hội thảo còn là nơi để các nhà vật lí trên thế giới và Việt Nam tăng cường giao lưu, học hỏi lẫn nhau về mặt học thuật và từ đó tạo ra các kết nối hợp tác nghiên cứu khoa học trong tương lai. Do đó, Chủ tịch hy vọng với nguồn lực chất xám quốc tế và sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Simons (Mỹ), nhóm nghiên cứu sẽ có nhiều đóng góp tiềm năng cho các nghiên cứu Thiên văn học ở Việt Nam và hỗ trợ Trung tâm Khám phá Khoa học ở Quy Nhơn làm chủ các thiết bị, khai thác tốt, hiệu quả kính thiên văn hiện đại và lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Cũng tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền (hiện đang làm việc tại Trung tâm khảo cứu NASA) đã tuyên bố thành lập nhóm nghiên cứu Vật lý thiên văn (gọi tắt là nhóm SAGI) do Quỹ Simons, Mỹ, tài trợ. Nhóm SAGI có sự tham dự của TS Nguyễn Trọng Hiền, TS Nguyễn Lương Quang và TS Hoàng Chí Thiêm.

Kết thúc Lễ khai mạc hội nghị là sự kiện trồng cây lưu niệm tại vườn cây Nobel, nhằm đánh dấu sự kiện khoa học của thế giới, hưởng ứng Năm quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững./.


Tác giả: Thùy Dương

Tin nổi bật Tin nổi bật