|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 28/8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2025 tổ chức phiên họp thứ 4 sơ kết tình hình thực hiện các chương trình MTQG từ năm 2021 đến nay và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Phiên họp được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025 chủ trì phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Bình Định.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của 3 chương trình MTQG là hơn 102 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2023, tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện 3 Chương trình là 83.616,619 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư công là 48.216,812 tỷ đồng (bằng 47,24% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025); kinh phí sự nghiệp là 35.379,807 tỷ đồng. Riêng năm 2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) ước thực hiện đến ngày 31/8/2023 đạt khoảng 16.365,331 tỷ đồng (đạt 47,81% kế hoạch). Tổng nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương hơn 15,6 nghìn tỷ đồng. Kết quả giải ngân nguồn vốn này đến tháng 7/2023 đạt gần 23% kế hoạch năm 2023. 

Tại Bình Định, UBND tỉnh đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp huyện và Ban Quản lý cấp xã các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; ban hành Kế hoạch thực hiện; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và từng năm chi tiết đến từng công trình dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần và đạt được một số kết quả tích cực. Tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện năm 2023 là 829,84 tỷ đồng (trong đó: vốn năm 2022 kéo dài là 210,52 tỷ đồng, vốn năm 2023 là 619,32 tỷ đồng) và vốn ngân sách tỉnh đối ứng là 111,95 tỷ đồng. Đến ngày 15/8/2023, tổng vốn đã giải ngân vốn ngân sách Trung ương là 240,03/829,84 tỷ đồng, tỷ lệ 28,92% kế hoạch. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn đối ứng của ngân sách tỉnh thực hiện 03 Chương trình, còn có sự lồng ghép của các Chương trình, Đề án khác cũng như vốn đối ứng của ngân sách huyện, xã và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện hiệu quả các Chương trình. 

Theo các địa phương, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được triển khai thực hiện, cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các địa phương còn chênh lệnh lớn. Số lượng xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới rất ít. Công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình từ trung ương đến địa phương còn chậm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của từng chương trình. Các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý, các địa phương cần phát huy tính chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó có việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, đóp góp của nhân dân, và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình MTQG trên địa bàn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các địa phương tại Hội nghị hôm nay, các hội nghị vùng vừa tổ chức và qua tổng hợp của Đoàn Giám sát của Quốc hội, để hoàn tất báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp tới./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật