Bình Định quyết tâm cải thiện cải thiện, nâng cao kết quả các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính của tỉnh đến năm 2025
(binhdinh.gov.vn) - Đó là tinh thần của nội dung Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 05/7/2024 của UBND tỉnh về cải thiện, nâng cao kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số PCI của tỉnh Bình Định đến năm 2025
Theo đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng năng lực của địa phương và yêu cầu của Tỉnh ủy tại “Chương trình hành động số 09 về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025”; UBND tỉnh xác định mục tiêu kết quả các Chỉ số của tỉnh Bình Định đến năm 2025, cụ thể như sau:
- Phấn đấu kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS tiếp tục tăng điểm, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố trung bình cao trở lên, xếp vị trí 20 địa phương dẫn đầu cả nước và vị trí 05/14 tỉnh Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
- Phấn đấu kết quả Chỉ số PAR INDEX tiếp tục tăng điểm, xếp vị trí 25 địa phương dẫn đầu cả nước và vị trí 05/14 tỉnh Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
- Phấn đấu kết quả Chỉ số PCI tiếp tục tăng điểm, xếp vị trí 20 địa phương dẫn đầu cả nước.
Đáng chú, Kế hoạch nêu trên của UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 đối với từng nội dung Chỉ số thành phần đối với kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số PCI của tỉnh; xác định tổng thể các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương (cho đến cấp xã) trong việc nâng cao kết quả các chỉ số.
Để tổ chức triển khai thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò của Người đứng đầu trong triển khai thực hiện các Chỉ số; căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch của UBND tỉnh, cụ thể hóa thành nhiệm vụ kế hoạch của ngành, địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu, theo dõi các nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR INDEX; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu, theo dõi các nhiệm vụ cải thiện Chỉ số PCI. Các cơ quan liên quan, bao gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Tài chính chủ trì, theo dõi, quản lý việc thực hiện và xác định, đề xuất cụ thể những cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh vì làm ảnh hưởng đến kết quả thứ hạng các Chỉ số của tỉnh đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Theo kết quả xếp hạng năm 2023 của tỉnh: có 03/04 chỉ số tăng vị trí xếp hạng so với năm 2022, 01/04 chỉ số tụt hạng so với năm 2022, cụ thể: PAPI xếp hạng 19/61 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAR INDEX xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2022; Chỉ số PCI xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố, giảm 04 bậc so với năm 2022 (đã giảm 2 năm liên tiếp).
UBND tỉnh đánh giá nguyên nhân chủ yếu của đa số các chỉ số đạt điểm thấp là do một bộ phận Người đứng đầu chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số cơ quan, đơn vị còn bị động, thiếu quyết liệt; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chưa có nhiều chuyển biến trong việc đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập; cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối liên thông tại một số lĩnh vực; tình trạng trễ hẹn giải quyết hồ sơ vẫn tập trung vào một số lĩnh vực như: đất đai, xây dựng./.