|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông Xuân 2022 - 2023: Linh hoạt, phù hợp với từng địa phương

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, năm 2023, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 3.200 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp; trong đó, chuyển 1.735 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn, chuyển đổi 1.483 ha ruộng lúa từ 3 vụ sang 2 vụ. Riêng vụ Ðông Xuân, toàn tỉnh rà soát thực hiện chuyển đổi gần 900 ha diện tích sản xuất.

Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục TT&BVTV, Sở NN&PTNT) phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2023 theo từng mùa vụ, đảm bảo việc chuyển đổi phù hợp với từng địa phương, điều kiện sản xuất. Theo đó, sẽ ưu tiên chuyển đổi loại cây trồng phù hợp khả năng cấp nước, điều kiện tự nhiên của địa phương; thay các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang các loại có hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích; vùng chuyển đổi được xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu…

Huyện Tây Sơn tập trung chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân. Ảnh: T. DỊU

Chẳng hạn, ở huyện Tây Sơn, chính quyền địa phương đang từng bước xây dựng vùng nguyên liệu đậu phụng, triển khai việc hoàn thiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng tiến tới việc hình thành các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho giai đoạn 2021 - 2025. Dựa trên đề án này của huyện, Phòng NN&PTNT rà soát, triển khai chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa, mì, mía kém hiệu quả sang trồng đậu phụng và một số rau màu phù hợp.

Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, năm 2022, toàn huyện đã chuyển đổi 441 ha canh tác kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, rau màu. Các mô hình chuyển đổi  giúp nông dân phát huy tối đa lợi nhuận trong hoạt động sản xuất, tăng thu nhập. Chẳng hạn, lợi nhuận từ đậu phụng cao hơn 15% so với trồng mía, mì; chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng rau màu như trồng dưa leo chịu nhiệt, xà lách giống mới thu được kết quả tích cực. Phát huy thành công này, năm 2023, toàn huyện sẽ chuyển đổi khoảng 715 ha, trong đó vụ Đông Xuân chuyển đổi 382 ha.

Huyện Phù Mỹ tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện thiếu nước tưới của địa phương, trong đó chú trọng phát triển cây ớt. Ảnh: T. DỊU

Hay như huyện Phù Mỹ - địa phương thuộc diện khó khăn về nước tưới bậc nhất tỉnh - toàn bộ diện tích chuyển đổi đều hướng tới trồng các cây trồng chịu hạn (mè, đậu, cây ăn trái) để tận dụng tối đa nguồn nước ít ỏi. Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho hay, năm tới, huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích 894 ha, trong đó chuyển từ diện tích sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác 93 ha; chuyển đổi từ đất lúa 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ ổn định 801 ha. Phù Mỹ đang lên kế hoạch chuyển đổi một số diện tích ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt, đồng thời quy hoạch vùng chuyên canh ớt, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, xây dựng mã số vùng trồng đối với cây ớt.

Ngành nông nghiệp Hoài Ân cũng tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2023, Hoài Ân dự kiến sẽ chuyển đổi hơn 200 ha diện tích canh tác kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn. “Quan điểm của ngành nông nghiệp, chuyển đổi sang các mô hình sản xuất giống cây trồng mới, năng suất và chất lượng. Chuyển đổi phải đảm bảo kế hoạch sản xuất, an ninh lương thực trên địa bàn”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho hay.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, mục đích của việc này là nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với năng lực cấp nước tưới, điều kiện tự nhiên của địa phương; đồng thời, chuyển đổi mạnh để tạo những vùng chuyên canh lớn, đủ điều kiện triển khai các vùng nguyên liệu cho các chuỗi liên kết, tăng lợi nhuận cho người dân. Để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi, Chi cục đã tham mưu, đề xuất Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan như Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình, chuyển giao kỹ thuật, Chi cục Thủy lợi thực hiện công tác tưới tiêu… Đồng thời, các địa phương triển khai lồng ghép nguồn kinh phí phù hợp để hỗ trợ người dân hiệu quả hơn.


Tác giả: THU DỊU
Nguồn:baobinhdinh.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật